Phân biệt đá quý thật – giả
25/05/2013 09:43
Thực ra khái niệm đá quý giả – thật; hay đá thiên nhiên – qua xử lý – nhân tạo thường có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong ngành khoa học nghiên cứu về đá quý, khái niệm đá giả được xem là khi đặt tên cho một loại đá không đúng với bản chất đá đó. Ví dụ đá Cubic Zirconia (CZ) hay pha lê, thủy tinh nếu được ai đó đặt tên là kim cương thì đó là đá kim cương “giả”. Cũng tương tự vậy, ai đặt tên 1 viên kim cương là pha lê thì đó là pha lê “giả”.
Thứ nhất, bạn nên có những hiểu biết nhất định ít nhất về giá về loại đá bạn muốn mua. có những loại đá giá trị rất bình thường như thạch anh trắng hay hồng, ám khói, caxêđôn hay thiên thạch. Bình thường ở đây nghĩa là bạn có thể bỏ ra một khoản tiền nhỏ mà vẫn có thể sở hữu vài kg đá. Ở Việt Nam các loại đá này rất nhiều. Hiển nhiên những khối đá đó hình dáng đẹp sẽ có giá trị cao hơn. Các loại đá mắc tiền nhất gồm ruby, topal, saphire, emerald.
Các loại đá nhân tạo có giá trị cực kỳ rẻ. Nếu bạn mua mặt dây chuyền, thì 90% giá trị ở công người chế tạo nghĩ ra mẫu đó, công thợ bạc, thợ inox làm khoen và tạo kiểu, và lượng kim loại tạo nên viên đá. 1 viên đá nhân tạo đẹp lung linh đủ màu sắc chỉ có giá từ 20k-100k.
Từ trái sang: Thạch anh – Emerald – Citrine – Sapphire “thật” của thương hiệu uy tín Bảo Tín Minh Châu
Thứ hai, bạn cần yêu cầu người bán phải có chứng nhận kiểm định của sản phẩm bạn mua, hay của một sản phẩm tương tự. Tôi thấy ở TP HCM có 3 trung tâm giám định đá quý lớn là RGG -rexco, đường Nguyễn Trung Ngạn; SBJ và PNJ – Đường Nam Kỳ khởi nghĩa. Các trung tâm này đều rất uy tín.
Mỗi sản phẩm khi kiểm định sẽ mang 1 mã số nhất định. Khi bạn đưa mã số này đến các trung tâm họ sẽ cho bạn thêm các thông tin về đá quý, ví dụ màu sắc, độ trong, kiểu cắt,… và những phương pháp giám định được áp dụng. Do đó, nếu bạn thấy tất cả các sản phẩm của người bán đều mang cùng 1 mã số, thì rõ ràng họ đã dùng công nghệ làm giả vỉ ép kiểm định.
Thứ ba, bạn cần quan sát tỉ mỉ bằng mắt thường cho sản phẩm không được kiểm định. đá quý thiên nhiên luôn có những đường vân – đường gãy – tạp chất dù ít hay nhiều. Đôi khi các tạp chất hay đường vân chỉ được phát hiện dưới kính lúp có độ phóng đại cao. Do đó nếu bạn không thấy thì cũng đừng trách người bán vội nhé. Tuy nhiên, với công nghệ hiện nay, nhiều loại đá nhân tạo cũng có vân, tạp… Nói chung, theo kinh nghiệm của tôi cách này có thể giúp bạn nhận biết 80% chính xác.
Có nhiều người nhận biết đá quý bằng cách áp đá lên mặt, nếu cảm thấy mát thì đó là thiên nhiên. Cách này đã xưa rồi và hiện nay nhiều loại đá nhân tạo khác đặt lên má cũng mát lắm.
Từ trái sang: Peridot – Ruby – Ngọc trai – Kim cương “thật” của thương hiệu uy tín Bảo Tín Minh Châu
Thứ tư, hãy tìm hiểu sâu hơn về người bán. nếu họ là một cửa hàng lớn, hay một công ty, áp lực doanh số đòi hỏi nhân viên phải nỗ lực chăm sóc khách hàng. Chăm sóc ở đây có thể là động viên khách mua hàng với những thông tin kém chính xác. Đôi khi những tiệm quy mô nhỏ, hay chỉ đơn giản là một người làm ở một công ty chuyên gia công đá quý có thể bán cho bạn những viên đá thật với giá bất ngờ.
* Quả là một thiếu sót lớn khi chia sẽ các bạn về các cách phân biệt đá quý giả mà không nói rõ về các sự khác biệt giữa đá thật và giả. Sự khác biệt này vốn dĩ “rõ như ban ngày” nhưng thực tế lại không hề đơn giản như thế.
Một viên đá quý ruby thiên nhiên, khá bự, trong vắt, chưa qua xử lý, quả rất hiếm và đẹp. Nhiều người sẵn lòng bỏ vài nghìn USD cho nó. Nhưng nếu trong lòng đá có những đường vân thì sao? Nếu một mặt đá bị nứt hay xước thì sao? Hay đá ruby lại có màu đỏ tối đục ngầu thì sao? Khi đó đá sẽ bị mất đi 1 phần lớn giá trị. Có thể chỉ còn bán được cho rất ít người hơn, giá chỉ còn vài trăm USD. Chủ sở hữu viên đá sẽ rất đau đớn và anh ta sẵn sàng làm tất cả để viên đá trở nên đẹp hơn. Thế là ngành xử lý đá quý ra đời.
Từ trái sang: Garnet – Topaz – Aquamarine – Opal “thật” của thương hiệu uy tín Bảo Tín Minh Châu
Các loại đá có thể xử lý bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ chiếu tia bức xạ hủy tạp, đốt cải thiện độ trong, “đắp” thủy tinh không màu ở các mặt trầy xước. Về cơ bản các cách trên đều không thể qua được con mắt của các chuyên viên giám định đá quý. Do đó, các bản giám định đá quý đều có ghi rõ viên đá được xử lý ra sao. Tuy nhiên, điều cốt yếu quyết định giá trị đá quý đó là sự chấp nhận của chúng ta là như thế nào?
Có thể nói, việc xử lý đá quý là một điều rất nên làm. Nó giúp đá đẹp hơn, giúp người dùng đẹp hơn. Có người từng nói rằng: “Nếu đá quý mà không xử lý thì giống cô gái không trang điểm”. Thiếu đi sự chấp nhận của xã hội với ngành xử lý đá quý, thế giới đá quý sẽ gần như chỉ dành cho những người có mức sống khủng – như ông hoàng bà chúa thời xưa. Các “cô gái” đá quý chưa xử lý sẽ bị ế chồng.
Tuy vậy, việc xử lý cũng cần có mức độ. Đặc biệt là với xử lý màu. Người ta thấy rằng giá trị của agate và thạch anh trắng quá nhỏ so với thạch anh tím, họ có thể dùng mực tím đổ lên nền đá agate rồi biến nó thành một “khối thạch anh tím đặc biệt quý hiếm”. Hay một loại sơn có khả năng thẩm thấu vào đá, biến một khối thạch anh pha lê thiên nhiên thành thạch anh “7 sắc cầu vồng”.
Tuy nhiên kiểu xử lý này rất rất dễ nhận ra, chỉ cần bạn ráng nhìn kỹ và tư duy 1 chút.
Thứ nhất, màu sắc đậm ngay bề mặt chứ không phải đều hay đậm từ trong ra. Thứ hai, các kẽ đá có màu rất rất đậm. Thứ ba, màu sắc đá trông rất không giống những màu đá thật khác.
Mong rằng với những chia sẻ của chúng tôi, bạn đọc nói riêng và quý khách hàng nói chung có thể nắm rõ hơn những kiến thức cần biết khi lựa chọn đá quý để có thể mua được những viên đá quý ưng ý với giá thành phù hợp và chất lượng tương xứng nhất.
nguồn Châu Khê
Kiến thức vàng vật chất
Cách tính giá vàng Việt nam từ giá vàng thế giới.
Vàng 24K, 18K, 14K, 10k khác nhau như thế nào?
Giờ giao dịch thị trường các phiên trong ngày
Tìm hiểu cơ bản về nguyên liệu, phụ liệu trong gia công chế tác kim hoàn
Ý nghĩa của đá quý trong tình yêu hôn nhân và công việc
Nợ công là gì?
Chỉ số đo sức mạnh đô la Mỹ là gì?
Các thuật ngữ trong giao dịch vàng
Giải thích Bóng phân, Bóng ký
Vàng trắng là gì?
Hiển thị 1 - 10 tin trong 67 kết quả