Giá vàng hôm nay 2/5: vọt tăng mạnh khi Mỹ công bố dữ liệu kinh tế - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng thế giới tăng vọt. Ảnh minh họa.
Lúc 5 giờ 45 phút sáng nay (giờ Hà Nội) giá vàng thế giới giao ngay trên thị trường châu Á giao dịch ở quanh ngưỡng trên 2.321 USD/ounce, tăng mạnh hơn 30 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay ở quanh ngưỡng trên 2.319 USD/ounce, tăng mạnh hơn 33 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó tại thị trường này.
Hôm nay, thị trường vàng trong nước cũng sẽ bắt đầu giao dịch trở lại sau 5 ngày nghỉ Lễ 30/4-1/5.
Trước đó, đứng phiên ngày 27/4 – trước ngày nghỉ lễ, giá vàng miếng SJC trên thị trường đứng quanh mức 83 – 85,2 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch mua – bán ở mức 2,2 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua - bán quanh mức 82,6 – 84,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 2,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 83,25 – 85,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,85 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn phiên 27/4, nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 74,58 – 76,18 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch mua - bán là 1,8 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 74,8 – 76,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán thu hẹp ở mức 1,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới chỉ sau 1 phiên lao dốc đã bật tăng mạnh trong đêm qua – rạng sáng nay là do Mỹ công bố hàng loạt dữ liệu kinh tế và báo cáo việc làm trái chiều.
Cụ thế, báo cáo việc làm tháng Tư tại Mỹ ở lĩnh vực phi nông nghiệp đã tạo mới 192.000 việc làm, cao hơn mức 179.000 việc làm dự báo trước đó, nhưng thấp hơn mức 208.000 việc làm đạt được của tháng trước.
Số liệu cao hơn dự báo được coi là mang tính tích cực. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế khác của Mỹ lại cho thấy chiều hướng đi xuống.
Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 4 tại Mỹ ở mức 49,4 điểm, thấp hơn nhiều mức dự báo 50,2 điểm và thấp hơn mức 49,9 điểm đạt được tháng trước đó.
Chỉ số quản lý thu mua PMI sản xuất tháng 4 của Mỹ ở mức 50 điểm, cao hơn mức 49,9 điểm dự báo và thấp hơn mức đạt được tháng trước đó là 51,9 điểm.
Chỉ số đơn đặt hàng sản xuất mới của ISM tháng 4 ở mức 49,1 điểm, thấp hơn nhiều mức dự báo 51 điểm và mức 51,4 điểm đạt được tháng trước đó.
Như vậy, các dữ liệu về nhà quản trị thu mua hàng và số đơn đặt hàng mới tại Mỹ trong tháng 4 đều sụt giảm so với kỳ vọng và tháng trước. Trước đó, nền kinh tế Mỹ đã công bố tăng trưởng GDP quý 1 lần thứ nhất chỉ tăng 1,6%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,4% và mức 3,4% trong quý cuối năm 2023.
Những dữ liệu kể trên cho thấy nền kinh tế Mỹ bắt đầu có những dấu hiệu suy yếu. Chỉ có việc làm vẫn đạt trên mức kỳ vọng.
Trong khi đó, một con số kỳ vọng giảm thì lại tăng, đó là chỉ số giá sản xuất của ISM tháng 4 lại tăng từ 55,8 điểm tháng 3 lên mức 60,9 điểm, cao hơn nhiều mức dự báo 55,5 điểm.
Trong đêm qua, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc 2 phiên họp cuối tháng Tư đầu tháng Năm. Không có gì mới so với dự báo, là Fed vẫn giữ nguyên lãi suất đồng USD ở mức 5,25-5,5% như hiện tại.
Cả Chủ tịch Fed – ông Jerome Powell và các quan chức Fed của các bang tại Mỹ đều bày tỏ sự chưa muốn bắt đầu cắt hạ lãi suất cho đến khi họ tin tưởng chắc chắn hơn rằng lạm phát đang đi đúng hướng về mục tiêu 2%.
Thông thường Fed giữ lãi suất cao thì đồng USD sẽ tăng, tuy nhiên phiên đêm qua – rạng sáng nay đồng bạc xanh đã quay đầu lao dốc mạnh trong giỏ thanh toán quốc tế.
Cụ thể, chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt giảm mạnh 0,63% về mức 105.322 điểm vào lúc 6 giờ 17 phút sáng nay (giờ Hà Nội).
Đồng USD lao dốc và các dữ liệu kinh tế kém tích cực đã giúp các nhà đầu tư quay lại mua vàng, do lo ngại rủi ro gia tăng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới suy yếu.