Giá vàng miếng vẫn “một mình một chợ” - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giới đầu tư đặt câu hỏi liệu thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuộc "sẵn sàng phương án can thiệp" có giúp giá vàng trong nước rút ngắn khoảng cách với giá vàng thế giới và xoá bỏ tình trạng độc quyền vàng miếng?
Giá vàng thế giới trượt dốc, trong nước giữ mốc 76,5 triệu đồng/lượng
Sáng 24/1, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.026,6 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 4/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.048,5 USD/ounce. Trước đó, vàng thế giới giảm khoảng 10 USD trong vòng vài tiếng đồng hồ khi kết thúc phiên giao dịch trên thị trường châu Á. Sức cầu thấp trên thị trường châu Âu và Mỹ đã kéo giá mặt hàng kim loại quý đi xuống. Giá vàng “dùng dằng” trong lúc chờ loạt số liệu kinh tế Mỹ quan trọng.
Trong nước, giá vàng miếng SJC sáng 24/1 tăng vượt ngưỡng 76,5 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 74,2 – 76,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cùng thời điểm sáng 23/1, giá vàng miếng SJC tại DN này hiện tăng 400.000 đồng/lượng. Chênh lệch cao hơn so với giá vàng thế giới quy đổi trên 16 triệu đồng/lượng.
Quy định vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia cần xem xét bãi bỏ. Vì đây chính là nguyên nhân khiến giá vàng miếng trong nước "một mình một chợ", chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới. Trong dài hạn, Chính phủ có thể quay lại với việc quản lý xuất nhập vàng thông qua quota tự do hơn hoặc xem xét việc thành lập sàn vàng quốc gia, tạo ra các kênh đầu tư vàng khác.
Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng
Vàng SJC tiếp tục trong xu hướng phục hồi khá tốt với mức tăng 700.000 đồng/lượng chỉ trong 2 ngày. Trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn đứng giá, niêm yết ở 63,8 triệu đồng/lượng và 64,9 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, tăng nhẹ 100.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Phải giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC và thương hiệu khác
Trước đó, giá vàng miếng SJC đã sụt giảm mạnh, nhất là trong hai ngày 28 và 29/12 sau khi Thủ tướng có chỉ đạo nóng về bình ổn thị trường vàng và NHNN phát đi thông điệp tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp.
Tuy nhiên, khoảng vài ngày trở lại đây, giá vàng miếng SJC lại bật tăng trở lại dù giá thế giới giảm. Giá vàng trong nước những phiên gần đây lại tiếp tục bứt phá, theo giới đầu tư là do ở mùa cao điểm tiêu thụ vàng và trước dịp lễ Thần Tài nhưng vấn đề ở chỗ khan hàng và độc quyền vàng miếng.
Từ năm 2014, Công ty SJC không được cấp phép dập thêm vàng miếng mà chỉ được dập lại một lượng rất ít vàng miếng đã sản xuất nhiều năm trước bị móp méo. Điều đó có nghĩa suốt 10 năm qua, nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường không tăng thêm mà còn hao hụt do các công ty vàng chuyển hóa sang vàng trang sức, mỹ nghệ, sau đó đem đi xuất khẩu.
Trước năm 2020, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi không quá cao như hiện nay. Thậm chí có thời điểm giá vàng miếng SJC còn xuống thấp hơn giá vàng thế giới. Tuy nhiên, sau đó giá vàng miếng ngày càng bỏ xa vàng nhẫn 9999 và giá vàng thế giới do nguồn cung vàng miếng SJC ngày càng khan.
“Xem xét chi tiết thì với chất lượng vàng như nhau, độ tuổi và trọng lượng như nhau mà vàng miếng SJC lại cao hơn các thương hiệu vàng khác đến chục triệu đồng và cao hơn giá thế giới là điều hết sức vô lý. Vấn đề bất thường là mức tăng của giá vàng miếng SJC có thời điểm lên tới 80 triệu đồng/lượng, kéo chênh lệch giá vàng miếng trong nước với giá vàng miếng thế giới có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng” - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét.
Đây không phải là lần đầu tiên NHNN phát đi thông điệp tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp. Vấn đề là sau tuyên bố, cơ quan quản lý sẽ can thiệp như thế nào và ở mức độ nào với thị trường vàng? Theo các chuyên gia, nút thắt hiện nay đang nằm ở việc liệu NHNN có bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng SJC hay không.
Kiến nghị bỏ độc quyền vàng miếng
Bà Nguyễn Thị Hoa ở Đống Đa, Hà Nội cho hay, giá vàng miếng 76 - 77 triệu đồng/lượng vẫn là quá cao để cất trữ. Trong khi anh Trần Huy Hoàng ở Hoàng Mai, Hà Nội lo ngại, trước đó, giá vàng miếng SJC tăng giảm "điên cuồng", lãi - lỗ 3 triệu đồng/lượng chỉ trong tích tắc dù giá vàng thế giới khá bình ổn.
Chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng thời điểm này người nắm giữ vàng có tâm lý nghe ngóng động thái của Ngân hàng Nhà nước. Dù đã giảm nhưng giá vàng miếng SJC vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi đến 16 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh rất cao. Chính mức chênh này tạo ẩn số cho giá vàng miếng SJC trong những ngày tới. Còn TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, khoảng cách giữa giá mua và giá bán vàng SJC lên đến 2,5 - 3 triệu đồng/lượng cho thấy người bán đang đẩy rủi ro về phía người mua.
Điều NHNN băn khoăn là tăng nguồn vàng, nhất là vàng miếng ra thị trường sẽ đi ngược lại chủ trương chống vàng hóa mà chúng ta thực hiện suốt hơn chục năm nay. Tuy nhiên, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng: Sau hơn 10 năm quản lý theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tình trạng người dân đổ xô đi mua hay bán vàng đã không còn như trước kia. Tâm lý đầu cơ tích trữ vàng đã giảm bớt, nên vị chuyên gia cho rằng thay đổi lúc này là phù hợp.
TS Đào Lê Trang Anh - chuyên gia kinh tế Trường ĐH RMIT Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm quản lý từ các thị trường vàng ở Ấn Độ và Trung Quốc - hai quốc gia này đứng đầu trong việc tiêu thụ vàng vật chất trên thế giới. Theo đó, ở các quốc gia này việc quản lý vàng thông qua kiểm soát ngặt nghèo không đem lại kết quả tích cực trong dài hạn. Họ từng áp đặt kiểm soát nghiêm ngặt với thị trường vàng, song sau đó cả hai đều chuyển sang hướng tự do hóa và đạt được những thành công đáng kể. Những tiến bộ này có thể cung cấp nền tảng tốt hơn để cơ quan quản lý Việt Nam có thể điều chỉnh kịp thời với việc sửa đổi Nghị định 24/2012. “Việc thay đổi Nghị định 24/2012 nên đặt mục tiêu xây dựng một thị trường vàng minh bạch, công bằng và cạnh tranh” - bà Trang chia sẻ.
Để vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới, theo thông lệ quốc tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 24 một cách toàn diện, qua đó tiền và các nguồn lực trong dân sẽ đưa ra nền kinh tế để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
NHNN cho biết trong tháng 1/2024 sẽ trình báo cáo tổng kết nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Do vậy không chỉ các chuyên gia mà người tiêu dùng rất kỳ vọng những giải pháp này sẽ rút ngắn khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới.
10 năm vừa qua, lạm phát của Việt Nam khá ổn định ở mức thấp. Suy cho cùng mọi hàng hóa, không chỉ là vàng có mất cân đối về cung - cầu thì giá sẽ tăng cao. Tôi cho rằng nếu như chúng ta có lượng nhập khẩu vàng tương đối khá, từ đó gia công chế biến SJC và tạo nên nguồn cung thì khoảng cách chênh lệch giá vàng sẽ thu hẹp mười mấy đến 20 triệu đồng/lượng sẽ thấp xuống.
Nguyên quyền Chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia
Trương Văn Phước
Giá xăng dầu hôm nay 26/1: Ảnh hưởng do căng thẳng ở Biển Đỏ - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 26/1: Bật tăng dù GDP tích cực hơn kỳ vọng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Các chuyên gia bàn giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít từ chiều 25/1 - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 25/1: Duy trì đà tăng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 25/1: Lao dốc sau dữ liệu kinh tế - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 22/1: Thế giới sụt giảm ngay khi mở cửa - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng trong nước bấp bênh chờ thông tin mới - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 21/1: Lấy lại đà tăng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 21/1: Thế giới giảm sâu, vàng nhẫn tăng giá mạnh - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Hiển thị 1 - 10 tin trong 92 kết quả