Giá vàng nhẫn cao bất thường, thị trường diễn biến lạ? - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Vàng nhẫn tăng liên tục, vượt vàng miếng SJC
Chốt phiên cuối tuần, giá vàng miếng SJC đứng ở 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi giá vàng nhẫn quanh mức 75,15 - 77,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá mua - bán là 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn đang chịu tác động từ việc giá thế giới tăng mạnh, ngoài ra còn do yếu tố tâm lý, sự kỳ vọng của người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ
Giá vàng nhẫn tăng cao trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng mạnh. Nhiều phiên gần đây, giá vàng nhẫn biến động cùng chiều với thị trường thế giới. Trong khi giá vàng miếng đã bất động nhiều ngày. Do đó, sau những phiên tăng, giá vàng nhẫn đã dần tiến bằng vàng miếng và chính thức vượt vàng miếng trong phiên cuối tuần qua.
Đến thời điểm hiện tại, nhờ việc tăng liên tiếp, giá vàng nhẫn tăng gần 22%. Trong khi đó, vàng miếng SJC chỉ tăng hơn 4%.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng tăng dữ dội, vượt 2.400 USD/ounce trong bối cảnh chỉ số USD giảm mạnh. Kim loại quý đã tăng 1% trong tuần, đứng ở 2.411,6 USD/ounce - đánh dấu tuần tăng giá thứ ba liên tiếp trong bối cảnh thị trường xuất hiện ngày một nhiều kỳ vọng vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất đến nửa điểm phần trăm trong tháng 9/2024 chứ không phải chỉ ¼ điểm phần trăm. Lãi suất thấp mang đến môi trường có lợi cho diễn biến giá vàng.
Chỉ số Dollar Index giảm 0,34% trong phiên ngày thứ Sáu, chốt tuần ở mức 104,08 điểm. Cả tuần, chỉ số này giảm 0,75%, nâng tổng mức giảm trong 1 tháng qua lên gần 1,4%.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 17% bất chấp nhiều yếu tố bất lợi ví như lãi suất cao, lạm phát dai dẳng. Yếu tố quan trọng đẩy giá vàng tăng chính là việc nhiều ngân hàng trung ương mua vào vàng, nhu cầu nhà đầu tư gia tăng cũng như sức hấp dẫn của vàng cao hơn trong bối cảnh rủi ro địa chính trị ngày một nhiều.
Giá vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng đi lên. Theo dự đoán của các chuyên gia quốc tế, trong quý IV/2024, giá vàng có thể tăng vượt mức 2.500 USD/ounce.
Thời của vàng nhẫn và câu chuyện quản lý thị trường?
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết tương đương khoảng 74,7 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn cao hơn vàng thế giới 3 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng miếng đứng yên kể từ ngày 5/6 đến nay. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC, song lượng vàng bán tới tay người dân rất giới hạn. Không mua được vàng miếng SJC, người dân chuyển sang mua vàng nhẫn.
Từ chỗ thấp hơn vàng miếng 7-8 triệu đồng, giá vàng nhẫn đã chính thức tăng lên ngưỡng cao hơn giá vàng miếng SJC, một số chuyên gia không khỏi băn khoăn về điều này.
Trên thực tế, từ trước vàng nhẫn không được đánh giá cao như vàng miếng về thanh khoản. Bởi vàng miếng có nhiều ưu điểm hơn như là thương hiệu quốc gia, chất lượng uy tín hơn, không dễ làm giả, làm nhái. Việc người dân chuyển sang mua vàng nhẫn đẩy giá vàng nhẫn tăng mạnh lên cao hơn giá vàng miếng SJC cho thấy thị trường đang thiếu cung vàng miếng, lựa chọn của nhà đầu tư hạn chế.
Trên thị trường, tại nhiều khu vực kinh doanh vàng lớn của Hà Nội, nhiều thương hiệu kinh doanh vàng trang sức lớn như Bảo Tín Minh Châu hay PNJ đều cho biết, đã không còn cả vàng miếng hay vàng nhẫn để bán suốt 2 tuần gần nhất.
Chủ một tiệm vàng trên phố Cầu Gỗ cho biết: "Nếu chị muốn mua có thể đặt cọc vài trăm ngàn, khi nào có hàng em sẽ báo, giá bán sẽ tính tại thời điểm giao vàng. Nếu qua 1 tuần không có hàng thì bên em sẽ hoàn trả tiền cọc cho chị".
Tình trạng này không chỉ đẩy người mua phải chịu thiệt mà người bán cũng lỗ nặng. Bởi khi cầu vượt cung, giá vàng 9999 đương nhiên sẽ bị đẩy lên cao, người mua chắc chắn chịu thiệt.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho rằng, ngoài ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, một nguyên nhân khác khiến giá vàng nhẫn tăng cao là mặt hàng không được Nhà nước quản lý. Điều này khiến giá vàng nhẫn ngày càng đắt đỏ, nhanh chóng vượt giá vàng miếng.
“Về nguyên tắc vàng chỉ là 9999 thôi, dù là vàng miếng hay vàng nhẫn đều có giá trị như nhau. Nguyên nhân vàng miếng đắt hơn là do trước đây chúng ta quá sùng bái vàng miếng SJC nên giá vàng miếng mới được đà tăng cao như vậy. Do vậy, khi vàng quay trở về lấy chuẩn 9999 làm đo lường thì nó sẽ quay về với giá trị thật và khi cái gì dễ mua hơn thì người tiêu dùng mua nhiều” - TS Nguyễn Minh Phong nói.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng nhẫn có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, khi vàng nhẫn tăng đến mức có thể tác động đến nền kinh tế, nó sẽ khơi mào cho hiện tượng vàng hoá nền kinh tế. Đồng thời cho rằng, thời gian tới, nếu giá vàng SJC vẫn "đứng yên", giá vàng nhẫn tiếp tục tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới, thậm chí giá tăng chóng mặt như từng xảy ra với vàng miếng SJC trước đây, người dân đổ xô đi mua vàng nhẫn, có thể vàng nhẫn sẽ được đưa vào diện kiểm soát, bình ổn giá như vàng miếng SJC.
TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh, bên cạnh giá vàng nhẫn tăng theo, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể can thiệp điều chỉnh giá vàng miếng SJC đang bán bình ổn, giá vàng bán tới tay người dân không duy trì trạng thái đứng yên ở mức 76,98 triệu đồng/lượng như hiện nay nữa".
Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến khác khuyến nghị cơ quan chức năng nên xây dựng quy định rõ ràng về vàng nhẫn. Tránh tình trạng lách luật, biến tướng mang danh vàng nhẫn 9999 nhưng hàm lượng tỷ lệ chỉ dưới 75% thậm chí thấp hơn. “Vàng nhẫn chỉ có ưu điểm là đơn vị nhỏ, vừa túi tiền với người dân khi mua trong khi vàng miếng hiện chỉ có loại 1 lượng, nhiều tiền mới mua được. Tuy nhiên, vàng nhẫn có nhiều thương hiệu, khả năng làm giả, nhái dễ hơn vàng miếng”- Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh chia sẻ.
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới, hiện chỉ còn khoảng 3 đồng/lượng, đạt được yêu cầu đầu tiên đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều phản ánh cho thấy, lượng cung vàng ra thị trường còn ít nên người mua khó tiếp cận. Nếu muốn nguồn cung dồi dào, Việt Nam phải nhập vàng nguyên liệu về dập vàng miếng SJC. Mà lúc này, như tôi được biết, NHNN đang ưu tiên nguồn dự trữ ngoại hối dùng để giữ ổn định tỷ giá VND/USD. Hy vọng khi mục tiêu bình ổn tỷ giá hoàn thành, NHNN sẽ xem xét nhập vàng nguyên liệu về để tăng nguồn cung cho thị trường. (Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam Huỳnh Trung Khánh)
Cầu vượt cung, vàng “cháy” hàng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 4/6: trượt dốc - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 4/6: thế giới bật tăng mạnh, SJC chưa ngừng lao dốc - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Thị trường vàng phản ứng thế nào trước giờ G mở bán trực tiếp cho dân - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 3/6: tiếp tục giảm sâu - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 2/6: lao dốc không phanh, SJC mất gần 7 triệu đồng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 1/6: tiếp đà đi xuống - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 1/6: thế giới và SJC cùng lao dốc - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 31/5: tiếp tục lao dốc - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 31/5: thế giới bật tăng, SJC mất đến hơn 3 triệu đồng/lượng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Hiển thị 61 - 70 tin trong 350 kết quả