Lập sàn giao dịch xăng, dầu: mũi tên trúng nhiều đích - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Đây được coi là giải pháp toàn diện, bởi sàn giao dịch xăng, dầu vận hành sẽ cơ bản giải quyết được bài toán minh bạch thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các DN cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Sát thực tiễn, minh bạch thị trường
Mới đây (ngày 19/7), Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu việc thành lập sàn giao dịch xăng, dầu. Nội dung công văn nêu rõ: việc thành lập sàn kinh doanh xăng, dầu có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Mua bán xăng, dầu tại cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Khi sàn kinh doanh xăng, dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng, dầu.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu thông tin, báo chí phản ánh, kiến nghị về việc thành lập sàn giao dịch xăng, dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng, dầu thời gian qua.
Trên cơ sở đó, có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ trong tháng 7.
Ủng hộ việc Nhà nước lập sàn giao dịch xăng, dầu, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) Hoàng Trung Dũng cho biết: "Hiện các đầu mối được mua xăng, dầu từ 2 nhà máy lọc dầu và nhập khẩu.
Tuy nhiện, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định mới với đề xuất quy định các thương nhân phân phối không được mua hàng của nhau và cũng không được lấy hàng trực tiếp từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước. Những quy định này sẽ can thiệp, hạn chế quyền tự do của thương nhân phân phối".
Vì vậy, thời điểm cách đây không lâu, ông Hoàng Trung Dũng đã đề nghị cơ quan quản lý nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng, dầu như sàn cà phê để công khai, giúp các đơn vị phân phối tiếp cận nguồn hàng.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng, dầu Việt Nam Trịnh Quang Khánh phân tích, Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào quá trình quyết định giá xăng, dầu trong khi chỉ cần tạo cơ chế cho ngành xăng, dầu phát triển trước những biến động của kinh tế thế giới.
Hiện giá được định theo giá bình quân của các DN báo cáo lên, nhưng thực tế mỗi DN có số liệu báo cáo chi phí cao thấp khác nhau, thế nên việc tính bình quân giá xăng, dầu chưa phản ánh hợp lý chi phí kinh doanh của DN. Trong khi đó chi phí liên tục biến động, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến gia tăng khó khăn cho DN.
“Tôi ủng hộ việc lập sàn giao dịch xăng, dầu, cho phép DN mua xăng, dầu qua sàn giao dịch của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) để bảo hiểm giá và bảo đảm nguồn cung” – ông Trịnh Quang Khánh nói.
Góp ý kiến vào dự thảo nghị định kinh doanh xăng, dầu mới, Hiệp hội Xăng, dầu Việt Nam đã kiến nghị đưa quy định cho phép DN mua xăng, dầu qua sàn nhằm chủ động trước biến động của giá dầu thế giới, từ đó bảo đảm nguồn cung ổn định.
Hiện, kinh doanh xăng, dầu phải gánh nhiều mục tiêu (bảo đảm an ninh năng lượng, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần không ảnh hưởng CPI, bảo vệ môi trường…).
Trong khi chỉ cần bảo đảm an ninh năng lượng, hài hòa được lợi ích 3 bên gồm: Nhà nước, DN và người tiêu dùng là đủ. Thế nên, nhiều DN đề xuất, cần sớm đưa giá xăng, dầu trở về nguyên tắc nền kinh tế thị trường mà giao dịch qua sàn là một trong những công cụ cần thiết.
Thuận lợi kiểm soát giá cả, điều tiết thị trường
Việc thành lập các sàn giao dịch xăng, dầu là một bước để xây dựng được nền kinh tế thị trường. Hiện, Việt Nam đã có các sàn giao dịch như cà phê, gạo, chứng khoán... hoạt động rất hiệu quả thì xăng, dầu cũng nên lên sàn để tiệm cận với thị trường thế giới và minh bạch.
TS Vũ Vinh Phú
Nói về sự cần thiết của việc lập sàn giao dịch xăng, dầu, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường xăng, dầu trong nước đang tồn tại nhiều bất cập. Việt Nam nhập khẩu xăng, dầu từ những nguồn như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan nhưng giá cơ sở tại mỗi kỳ điều hành lại tham chiếu từ thị trường Singapore.
Dù giá xăng, dầu nhập khẩu bình quân từ Singapore cao nhất nhưng như thế là không phản ánh đúng bản chất, giá xăng, dầu thế giới và trong nước sẽ luôn có sự chênh lệch nhất định, khó phản ánh đúng giá thị trường thế giới.
Với lượng xăng, dầu trong nước sản xuất được chiếm đến 70% thị trường và lượng xăng, dầu cả nước tiêu thụ trung bình 27 triệu tấn mỗi năm, Việt Nam hoàn toàn đủ quy mô để lập sàn và lấy giá sàn đó làm cơ sở tính giá, thay vì theo giá Singapore như hiện nay.
Từng nhiều lần đề xuất lập sàn giao dịch xăng, dầu, TS Vũ Vinh Phú phân tích đưa xăng, dầu lên sàn giao dịch nhằm tạo ra một thị trường lành mạnh, hoạt động đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán. Giá cả giao dịch bán buôn, bán lẻ do DN tự tính toán, lời ăn lỗ chịu.
Như vậy, sẽ không còn cơ chế xin - cho, không còn áp chiết khấu, giá trần định mức, không có giá cơ sở, không có giá trần, giá sàn. Đặc biệt, giao dịch xăng, dầu qua sàn giúp Nhà nước chống thất thu thuế, kiểm soát được giá cả và điều tiết thị trường. Thành lập sàn giao dịch cũng giúp Nhà nước quản lý được chất lượng hàng hóa, quản lý được hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng trôi nổi của xăng, dầu.
Theo chuyên gia này, việc thành lập sàn giao dịch xăng, dầu hiện nay cũng thuận lợi vì dự thảo nghị định kinh doanh xăng, dầu mới đã đưa quy định về việc để DN tự quyết giá xăng, dầu. Như vậy, giá cả do DN tự quyết định dựa theo biến động hàng ngày của giá thế giới.
Khi đó người tiêu dùng sẽ có lợi nhất, đơn vị nào giá bán tốt, thái độ phục vụ tốt phù hợp thì sẽ được lựa chọn, còn ngược lại sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Điều này đòi hỏi DN tự biết phải tính toán lỗ lãi theo cơ chế thị trường, cũng như làm gì để khách hàng đến với họ.
Có thể khẳng định, giao dịch qua sàn sẽ giúp mặt hàng xăng, dầu tiến sát đến thị trường đúng nghĩa, song Nhà nước vẫn cần quản lý rất chặt về chất lượng, nguồn cung.
Đánh giá việc thành lập sàn giao dịch không chỉ là cơ hội để DN xăng, dầu trong nước tự nâng cấp mình mà còn giúp giảm thiểu rủi ro biến động từ bên ngoài, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay, tất cả công ty xăng, dầu trên thế giới từ sản xuất, tiêu thụ đến tiêu dùng đều đang sử dụng công cụ này.
Khuyến cáo tới các DN, PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý, trong kinh doanh xăng, dầu có 4 loại hợp đồng gồm: hợp đồng tương lai, kỳ hạn, quyền chọn và chênh lệch giá. DN sử dụng phòng vệ giá hay bảo hiểm giá là phải ký những hợp đồng này (gọi là giao dịch phái sinh). Sở dĩ nói như vậy vì thực tế, nhiều DN
Việt Nam thất bại về dự báo giá vì không có nghiệp vụ. Đơn cử, khi giá đang xuống DN dự đoán sau đó giá sẽ tăng nên ký kết hợp đồng mua vào, nhưng giá vẫn giảm thì lập tức thua lỗ. Do đó, muốn sử dụng công cụ bảo hiểm giá, DN phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, trình độ nghiệp vụ cao mới có thể triển khai được.
Vận hành sàn giao dịch là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự tham gia của nhiều bên liên quan. Một yếu tố quan trọng là cần có giám sát của cơ quan quản lý độc lập nhằm ngăn chặn gian lận, bảo đảm an ninh năng lượng. Về mô hình hoạt động của sàn, Nhà nước nên cho phép giao dịch cả hợp đồng kỳ hạn và giao ngay để tạo cơ hội phòng ngừa rủi ro đầu tư. Sàn sẽ áp dụng hệ thống khớp lệnh tự động, công bằng, bảo đảm tính minh bạch trong quá trình định giá.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính