Tin tức kinh tế ngày 17/10: giá vàng thế giới chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng thế giới chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại
Giá vàng thế giới trong ngày 17/10 giao dịch ở mức 2.685,6 USD, phá vỡ mọi kỷ lục từ trước đến nay của kim loại vàng, sau đó giảm nhẹ còn 2.680,19 USD/ounce.
Tin tức kinh tế ngày 17/10: giá vàng thế giới chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại. Ảnh minh hoạ.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 17/10, giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng SJC tại PNJ đang được mua vào ở mức 83,45 – 84,45 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn mua vào 83,1 – 84,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn trơn 83,54 – 84,54 (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tín dụng bất động sản tăng hơn 9%
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 9,15% so với cuối năm 2023, đạt 3,15 triệu tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng ở mức 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 4,62% và dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản là hơn 1,26 triệu tỷ, tăng hơn 16%.
Tốc độ cho vay bất động sản ghi nhận tăng nhanh trong quý III vừa qua, đặc biệt là cho vay tiêu dùng, chứng tỏ nhu cầu vay mua nhà đất của người dân đang có sự hồi phục. Số liệu trước đó của nhà điều hành chính sách tiền tệ cho thấy, dư nợ tín dụng bất động sản tính đến hết tháng 6/2024 tăng 4,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng là 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% còn dư nợ cho vay chủ đầu tư đạt 1,21 triệu tỷ, tăng 10,3%.
Sẽ triển khai gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Sau hơn 1 năm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trong phát triển nhà ở xã hội, hiện nay mới chỉ giải ngân được gần 1%, tức khoảng 1.344 tỷ đồng. Trong số này 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và còn lại là cho người mua nhà.
Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, gói tín dụng này có thời gian ưu đãi ngắn cho cả người mua và chủ đầu tư nên không hấp dẫn. Chính vì vậy nhằm đảm bảo tính ổn định và phát huy hiệu quả gói tín dụng, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước đang tích cực nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng. Gói tín dụng này được huy động từ nguồn vốn phát hành trái phiếu và từ ngân sách địa phương để hỗ trợ người thu nhập thấp, công nhân mua nhà ở xã hội. Qua đó giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận được vốn rẻ để mua nhà.
Thông tin thêm về Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, với quy mô 561.816 căn.
Việt Nam năm thứ 3 tăng điểm chỉ số tự do kinh tế
Theo chỉ số tự do kinh tế thế giới do Viện Fraser (Canada) công bố, điểm số của Việt Nam đã tăng từ 6,17 điểm năm 2019 lên 6,23 điểm năm 2022. Xét về thứ hạng, Việt Nam tăng từ thứ 123/165 lên 99/165 trong cùng thời kỳ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong chỉ số tự do kinh tế thế giới và là lần đầu tiên vị trí xếp hạng của Việt Nam nằm trong nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu.
Những ghi nhận về điểm số và thứ hạng của Việt Nam trong chỉ số Tự do kinh tế thế giới phản ánh Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách kinh tế kịp thời thân thiện với thị trường để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung cho vay tiêu dùng
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực chất, đúng quy định pháp luật. Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực vay tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình và đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Hiện gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội đã tăng từ 120.000 tỷ đồng lên 140.000 tỷ đồng. Riêng gói tín dụng hỗ trợ lâm thủy sản có quy mô ban đầu là 30.000 tỷ đồng, đến nay dự kiến tăng lên khoảng 60.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi sau bão số 3.