Ứng xử sao với sốt giá vàng? - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Những ý kiến phản biện về thị trường vàng và quản lý thị trường vàng, đặc biệt là câu chuyện huy động 300 - 500 tấn vàng trong dân lại đang nóng trở lại, nhất là trong bối cảnh vàng đang lên cơn sốt và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát tín hiệu về khả năng sửa Nghị định 24/2021/NĐ-CP.
Trong cuộc tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, có ý kiến cho hay, nhiều nước cho phép huy động vốn thông qua chứng chỉ chứng nhận vàng do Nhà nước - NHNN phát hành để đảm bảo an toàn. Việc mua bán chứng chỉ chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ. Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGAT), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho hay, việc phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng đã thông dụng ở một số nước. Thay vì giữ vàng vật chất thì chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ giúp người dân chỉ cần giữ vàng giấy đó và có thể trao đổi trên sàn giao dịch. Điều này cũng tạo tiền đề cho việc hình thành sàn giao dịch vàng hiện đại trong tương lai. NHNN sẽ trả phí cho việc huy động này.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc người dân lựa chọn tích trữ vàng với mục tiêu vừa để đầu cơ, vừa làm phương tiện trú ẩn dẫn tới một khối lượng vàng lớn "nằm chết" trong dân.
Do đó, cần sớm triển khai các biện pháp huy động vàng trong dân, biến nó thành tiền để phục vụ nền kinh tế. “Phải có chính sách gửi vàng như gửi tiết kiệm thì mới huy động được” - GS.TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, nhiều nước cho phép huy động vốn thông qua chứng chỉ, chứng nhận vàng do Nhà nước - NHNN phát hành để bảo đảm an toàn. Việc mua bán chứng chỉ, chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ.
Do đó đề nghị NHNN cần huy động với điều kiện, tiêu chí cụ thể để cho phép Sở Giao dịch hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng thông qua các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn. Các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ.
Bà Lê Thu Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết bên cạnh việc gửi tiết kiệm bằng VND, gia đình bà lâu nay vẫn giữ thói quen tích cóp một ít vốn vàng. Từ cuối năm 2012 đến nay, khi các ngân hàng không còn huy động vốn vàng mà chỉ giữ hộ có thu phí, gia đình bà đã cất vàng ở nhà dù không yên tâm. Nay nếu huy động vàng của người dân, tôi muốn biết cụ thể hơn khi nào sẽ huy động, cách thức thế nào, có trả lãi hay không. Khi muốn gửi sẽ gửi ở các ngân hàng thương mại hay phải đến NHNN?" - bà Hà thắc mắc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) lại đặt câu hỏi: "Về đề xuất NHNN phát hành chứng chỉ vàng hay còn gọi là "vàng giấy" để huy động vốn vàng trong dân, vậy chúng tôi khi gửi vàng có thể rút vốn bằng vàng hay phải quy ra VND?" - ông Thành đặt câu hỏi.
Có ý kiến cho rằng, huy động vàng mà chưa đưa ra được phương án huy động như thế nào, lãi suất bao nhiêu, phương án trả lãi như thế nào, gửi vào rút ra có thuận tiện hay không, cơ chế nào để phòng ngừa rủi ro về giá vàng cho người dân... sẽ rất khó thực hiện.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, huy động vàng, dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng khiến tình trạng vàng hóa gia tăng và kích thích tâm lý tích trữ vàng. Vay vốn bằng vàng, dù đã bớt rủi ro vì bảo hiểm trượt giá, thì vẫn làm tăng gánh nặng nợ quốc gia trong tương lai. Chưa kể, trong bối cảnh vốn ngân hàng đang ứ thừa hiện nay, việc đặt vấn đề huy động vàng là chưa cần thiết.
TS Đinh Trọng Thịnh cũng bày tỏ băn khoăn, không có số thống kê chính xác về lượng vàng còn trong dân. Nhưng có một con số ước tính được nhiều người nhắc đến là khoảng 300 - 500 tấn vàng. Nếu số này là có thực và giả sử huy động được một nửa số này đem hoán đổi thành ngoại tệ sẽ lên tới hàng chục tỷ USD phục vụ phát triển kinh tế. “Nhưng sau khi huy động xong, vàng đó kinh doanh thế nào, quản trị rủi ro thế nào? Nếu có lãi sẽ đưa vào đâu và lỗ sẽ lấy gì bù?"- ông Thịnh nêu ý kiến.
Việc các chuyên gia lo lắng, sốt ruột khi một lượng vàng lớn đang nằm bất động trong dân là dễ hiểu. Song có lẽ còn đáng lo hơn nếu lượng vàng được “bơm” ra nền kinh tế một cách không hiệu quả. Nếu không khéo, an toàn của hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Việc các ngân hàng trả giá quá đắt vì huy động vàng thời gian trước đây chính là bài học khiến NHNN thận trọng.
Từ đầu năm tới nay, giá vàng miếng và vàng nhẫn liên tục lập đỉnh. Hiện vàng miếng trong nước tiếp đà tăng mạnh lên gần 81 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn cũng vượt 68 triệu đồng/lượng trong khi một số cửa tiệm đã không còn vàng nhẫn để bán. Chênh lệch vàng trong nước và thế giới lên tới 18 triệu đồng/lượng.
Trước sự nóng sốt của giá vàng gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phải can thiệp và bình ổn thị trường vàng để bảo đảm tính ổn định cho loại hàng hóa đặc biệt này và tránh tình trạng đầu cơ gây ảnh hưởng xấu đối với ổn định tiền tệ và vĩ mô.
Chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ nhằm tránh tình trạng nền kinh tế trở nên vàng hóa hay đô la hóa. Bởi, nền kinh tế sẽ không thể tái đầu tư nguồn lực khi mọi thu nhập của người dân đều chuyển sang vàng. Và việc chống vàng hóa trong nền kinh tế cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng để chuyển nguồn lực sang nền kinh tế thực, tận dụng tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn từ trong dân cư để tái đầu tư và phát triển kinh tế.
NHNN cho biết đang nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 24 để trình Chính phủ trong tháng này.
Các chuyên gia chung nhận định, diễn biến thị trường vàng hiện nay là do thiếu nguồn cung và tình trạng độc quyền. Để hạ nhiệt thị trường vàng, NHNN phải sửa gấp Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, cho phép nhập khẩu vàng, xóa bỏ độc quyền vàng miếng thương hiệu SJC.
Phải coi vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và Nhà nước quản lý mặt hàng này rất dễ, không nhất thiết phải độc quyền. Nhằm đa dạng nguồn cung, tạo sự cạnh tranh trên thị trường cần cho phép sự tham gia của nhiều đơn vị, nhiều thương hiệu vàng khác nhau. Trên cơ sở đó thì cung, cầu cần phải mở rộng hơn. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, giám sát của NHNN, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, về giải pháp ngắn hạn, thứ nhất, NHNN có thể cho phép nhập khẩu vàng, hoặc là NHNN nhập khẩu vàng để sản xuất thêm lượng vàng SJC. Việc này sẽ làm tăng nguồn cung vàng SJC và giá có thể giảm xuống. Thứ 2, để tránh mất lượng ngoại hối NHNN có thể thu mua vàng thông qua các đơn vị kinh doanh vàng ở trong nước, sẽ hạn chế việc chúng ta nhập khẩu vàng, và đáp ứng được nguồn cung.
11:19 07/03/2024
Giá xăng dầu hôm nay 2/1: Đợi chờ giao dịch sau lễ - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 2/1/2024: Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường vàng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 1/1: Tiếp tục biến động - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 31/12: Tuần giảm và năm 2023 giảm hơn 10% - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 31/12: Rũ bỏ, SJC một tuần mất trên 10 triệu đồng/lượng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 30/12: Tiếp tục lao dốc, SJC mất thêm 2 triệu đồng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 30/12: Brent tăng nhẹ, WTI giảm - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 29/12: Brent giao dịch quanh mức 77 USD/thùng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá vàng hôm nay 29/12: SJC bất ngờ lao dốc mất gần 6 triệu đồng - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Giá xăng dầu hôm nay 26/12: Trái chiều - Vàng và Dầu - kinhtedothi.vn
Hiển thị 111 - 120 tin trong 161 kết quả