Đừng quên mua dây thun cho quần đùi nhé! - Rau đắng
Sáng ra tôi chuẩn bị đi làm. Thế là lập tức bắt đầu...
- Đã ba ngày rồi chúng tôi đã bảo anh mà anh cứ quên hoài... ở nhà không còn chút phô-mai nào cả!
Người ta bảo tôi suốt ba ngày nay rồi! Nhưng lấy tiền đâu ra nào?
- Thế nào, mua phô-mai rồi chứ? - Buổi chiều người ta hỏi tôi. Tôi, như một nghệ sĩ bi kịch, lấy hết sức đập tay vào trán và kêu lên: "Ô-ô! Tôi quên khuấy đi mất!"
Tôi cứ thích ứng như vậy. Buổi sáng người ta lệnh cho tôi mua cái gì đó. Tôi trả lời: sẽ mua. Còn buổi chiều khi tôi trở về - lại vẫn cái tiết mục ấy: "Ô-ô! Tôi quên khuấy đi mất!"
Nhưng ông bố biết tỏng tôi rồi. Khi tôi trả lời câu hỏi muôn thuở lần thứ ba: "Phô-mai đâu?" - Và định giơ tay lên trán thì bố tôi kêu lên thay tôi: "Ô-ô!" - rồi quay lại phía cả nhà mà mỉa mai tuyên cáo: "Anh ta quên!"
Từ hôm ấy tôi không còn được quyền quên nữa. Sáng hôm sau, khi tôi cạo râu, người ta lại bảo tôi:
- Đừng quên phô-mai nhé!
- Được rồi.
Tôi đi giày, khi vang lên:
- Cả xà bông cũng không còn, mua nhé!
- Được.
Trong lúc đi xuống cầu thang, tôi nghe thấy:
- Cả đường cũng hết, đừng có quên đấy!
- Được rồi, được rồi!
Vừa nắm tay vào quả đấm cửa ra vào thì từ trong nhà vọng xuống tiếng la ơi ới:
- Anh nghe thấy không? cà phê, cà phê!
- Cà phê làm sao?
- Hết rồi, nhớ mua nhé!
- Tôi sẽ mua, sẽ mua hết!
Tôi đóng cửa, thở phào nhẹ nhõm, nhưng ngay lúc đó người ta đập vào cửa sổ.
- Còn gì nữa?
- Trời ơi, anh đi đâu mà lao dữ vậy? Quay lại lấy chai đựng. Anh còn phải mua dầu ô liu.
- Sẽ mua, sẽ m-u-a!
Đi được vài bước - từ trên cửa sổ lại có tiếng réo:
- Này, gạo ở nhà không còn một hạt! Chiều nhớ mang về!
- Sẽ mang về!
Đấy, cứ mỗi buổi sáng là đầy những lời tiễn đưa như thế đó. Nhưng vấn đề không phải kết thúc ở đó. Từ những khung cửa sổ ra vào và cửa sổ mở toang dội ra đủ thứ giọng nói, đòi hỏi và lo lắng, trầm trầm và lanh lảnh, êm ái và khàn khàn: "N-à-y!" cứ lan đi, lan đi, đuổi theo tôi trên đường phố.
- Mua dây thun cho quần đùi nhé! Loại tôn tốt ấy! Đừng có mà quên đấy!
- Thông phong cho đèn năm dây!
- Bấc cho bếp dầu hỏa!
Tôi lao chạy, hoảng hốt như tên bán hàng rao nhìn thấy đại diện chính quyền, nhưng chưa kịp rẽ qua góc phố thì một chú bé đuổi kịp tôi.
- Có một dì sai cháu nhắn lại...
- Dì ấy bảo sao?
- Hành cũng không còn.
- Nói với dì ấy hãy liệt kê những thứ gì vẫn còn. Những thứ khác chú sẽ mang về.
Đấy, tôi đi làm mỗi buổi sáng như vậy đó. Bạn hẳn rõ là đầu óc tôi chất đầy những thứ gì chứ? Cho suốt tới chiều tối trong đó chen chúc nhau những phô-mai, dầu, hành, dây thun cho quần đùi...
Và hôm nay, khi tôi bước vào văn phòng, đầu tôi như thường lệ chất đầy ắp đủ thứ các thứ hàng thực phẩm và tạp hóa.
Tôi phải hoàn tất những tài liệu cần gấp đã nằm từ hôm qua trên bàn làm việc của tôi. Xong xuôi tôi gửi chúng lên qua các cấp.
Ít lâu sau ông giám đốc bước vào phòng. Mặt đầm đìa mồ hôi, cánh mũi phập phồng. Ông chìa cho tôi những tờ giấy.
- Cái gì thế này?
- Những tờ giấy...
- Đọc đi! Đọc to lên!
Tất cả những ở trong phòng: các cô đánh máy chữ, thư ký, viên chức - đều vểnh tai lên nghe. Tôi bắt đầu đọc: "Gửi Tổng cục, người có chức trách cao nhất. Phúc đáp mệnh lệnh ngày tháng ấy, số bao nhiêu. Dưới đây liệt kê những biện pháp cụ thể về phần các điểm cần phải xem xét ngay và đã được nghiên cứu cẩn thận. Xin trình để ngài biết rằng chúng tôi cho là cần thiết phải:
- Không mua phô-mai dưới quê đem lên vì quá mắc đối với chúng ta.
- Mua dây thun cho quần đùi ở chỗ bán hàng rong tại quận Macmut Pasa.
- Mua hai trăm gam thịt bò làm cốt lết, đề nghị chặt làm đôi.
- Mua thông phong đèn thì chọn cái nguyên lành, đừng lấy cái bị nứt như lần trước.
- Do giá xà bông cao quá, nước xà bông phải dùng cho hết chứ đừng phí phạm.
- Nhằm tiết kiệm, cà phê phải pha lần thứ hai, đổ thêm nước sôi vào nước cà phê đặc.
Tài liệu này gửi tới ngài như một thông tư để thi hành."
- Cái gì thế này? - Ông giám đốc lại gầm lên.
Tôi hiểu ra rằng mình đã làm hỏng một văn kiện chính thức, tương vào đó tất cả những gì chứa trong cái đầu khốn khổ của tôi đang đầy ắp các thứ hàng hóa linh tinh.
- Sao anh lại đến nỗi thế này? - Ông giám đốc nói tiếp.
- Chính tôi cũng không biết nữa.
- Thôi được, anh bị lú lấp ruột gan. Nhưng tại sao sếp của anh lại ký vào cái này?
- Bậy thật! - Tôi kêu lên.
- Giả sử rằng sếp của anh bị quáng mắt... Làm sao mà chánh văn phòng lại chuyển cái đó lên cấp khác?
- Cái đó thì quá tệ!
- Thôi cứ cho rằng thủ trưởng đãng trí. Nhưng phó giám đốc thì mắt để đâu?
- Thật xấu hổ và nhục nhã!
Giám đốc trầm ngâm.
- Họ đã sơ xuất, cái đó rõ rồi. Nhưng còn tôi, làm sao mà tôi lại gửi cái thứ nhảm nhí ấy cho tổng giám đốc?
- Cái đó thì thật...
- Cái gì hả?
- Thật là tuyệt!
- Thế nếu cả tổng giám đốc cũng nhắm mắt ký vào cái "thông tư" của anh, rồi không đọc và gửi lên cho bộ trưởng?
- Thế thì chúng ta chết mất! - tất cả đồng thanh kêu lên.
- Lạy trời, tai qua nạn khỏi rồi! Tổng giám đốc đãng trí, lộn phong bì và gửi tài liệu không phải cho bộ trưởng mà cho một bà quen.
- Ồ!
- Ở bưu điện do đãng trí nên phong bì để gửi cho bà ấy lại chuyển cho tôi, còn cái gửi cho ông bộ trưởng thì lẫn đi đâu mất không biết.
Tới đây tất cả chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm.
Cảm ơn những người đãng trí! Đúng là vì họ mà trên báo chí có những thông báo thế này: "Nhằm mục đích tiết kiệm, đã thải hồi hai chục viên chức khỏi cơ quan như thế như thế. Thay cho họ đã tuyển vào ba trăm người có trọng trách." Chuyện gì cũng xảy ra được cả!
Hãy quên tất cả những gì các em đã học - Rau đắng
Kiến trúc sư... đã xây nên Châu Mỹ - Rau đắng
Có làm thì mới có ăn... - Rau đắng
Tôi không ngờ em lại như vậy... - Rau đắng
Vì sao tôi không trở thành nhà văn - Rau đắng
Cái kính - Rau đắng
Hâm lại chất lãng mạn - Rau đắng
Chiếc gương kỳ diệu - Rau đắng
Thiên đường và địa ngục - Rau đắng
Có nên làm bác sỹ không con ? - Rau đắng
Hiển thị 21 - 30 tin trong 31 kết quả
Đang tải danh sách nhạc...