Rau đắng

Thư gởi ông Trời  - Rau đắng

16/12/2014 20:03
Lượt xem 3880

Gregorio López Y Fuentes

Ngôi nhà - ngôi nhà duy nhất trong thung lũng - nằm tụt vào bên trong sườn đồi núi thoai thoải. Từ độ cao này, người ta có thể nhìn thấy dòng sông, cạnh đó là bãi san hô, và cánh đồng bắp chín được điểm tô bằng những chấm hoa đậu đỏ, những chấm hoa luôn báo hiệu một mùa gặt hái tốt lành.

Đất bây giờ cần một cơn mưa lớn, hay tệ lắm cũng phải là một cơn mưa rào. Suốt cả buổi sáng, Lencho - người nông dân dày kinh nghiệm với ruộng đất mùa màng hơn ai cả - không làm được một điều gì ngoài cái việc cứ đảo mắt nhìn lên bầu trời về phía đông bắc.

- Thế nào cũng phải mưa một chút, bà ơi.

Người đàn bà đang chuẩn bị để sửa soạn bữa ăn trưa, trả lời:
- Vâng, tôi cũng mong Ông Trời ban ơn.

Đứa con trai lớn tuổi nhất đang làm việc ngoài đồng, trong khi những đứa nhỏ thì chơi quanh quẩn trước hiên nhà, cho đến khi người đàn bà gọi to:
- Về ăn cơm...

Trong bữa ăn, giống như Lencho tiên đoán, những giọt nước mưa bắt đầu rơi xuống. Phía đông bắc từng cuộn mây khổng lồ đang dần dần kéo đến. Không khí thật trong lành và dễ chịu.

Gã bước ra ngoài, đi xuống bãi san hô với mục đích được đón nhận những giọt mưa rớt trên chính thân thể mình. Khi về lại nhà, gã reo lên:
- Thiệt không phải là trời mưa nước mà mưa tiền, những đồng tiền mới toanh! Mỗi hạt mưa to là đồng mười xu, hạt nhỏ là đồng năm xu..."

Lencho ngắm nhìn cánh đồng bắp cùng những chấm hoa đậu đỏ chìm đắm trong cơn mưa với vẻ hài lòng trên khuôn mặt. Bỗng dưng trời trở gió ầm ầm, những giọt mưa biến thành những cục nước đá rơi xuống lộp độp. Những cục nước đá to tròn này giống y hệt những đồng tiền bằng bạc rơi từ trời cao xuống đất. Mấy đứa con trai của gã chạy tuôn ra giữa cơn mưa, thi nhau nhặt nhạnh những hạt mưa đá như những hạt trân châu.

- Trời càng lúc càng xấu - gã than thở, rầu rĩ - Tôi hy vọng cơn mưa đá tạnh sớm.

Nhưng cơn mưa đá không tạnh sớm chút nào. Hơn một tiếng rưỡi đồng hồ mưa đá rơi lộp độp trên mái nhà, trên khu vườn, trên sườn đồi, trên cánh đồng bắp, trên khắp thung lũng. Mọi vật mọi thứ trở nên trắng xoá như có ai rắc muối lên khắp nơi. Bao nhiêu cây cối trong làng đều trơ trụi lá. Bao nhiêu cây bắp đầy trái và những hứa hẹn đều bị mưa đá phá hủy tan tành. Tất cả hoa đậu đỏ đều rụng rơi lả tả. Cõi lòng Lencho tan nát. Khi trời quang mây tạnh, gã đứng giữa cánh đồng và nói với những đứa con trai của mình:
- Giặc châu chấu còn không phá hại tệ đến mức này... Cơn mưa đá đã tàn phá tất cả rồi... Các con ơi: năm nay chúng ta sẽ không có lấy một hột bắp, một hột đậu mà ăn...

Tối hôm ấy thật là buồn thảm:
- Bao nhiêu công lao, giờ thì công dã tràng!

- Không ai có thể giúp chúng ta!

- Năm nay cả nhà sẽ đói mất thôi...

Nhưng trong trái tim của tất cả mọi người sống trong căn nhà bé nhỏ giữa thung lũng ấy còn một tia hy vọng: Ông Trời sẽ giúp.

- Đừng buồn rầu quá sức, dù chúng ta coi như là đã trắng tay. Hãy nhớ rằng không ai chết đói!

- Đúng rồi. Người ta hay nói: không ai chết đói...

Suốt đêm, Lencho chỉ nghĩ đến một niềm hy vọng: Trời giúp, và mắt Ông Trời, như gã vẫn được dạy bảo từ thưở nhỏ, thấy được mọi thứ, mọi điều trên thế gian này. Ông Trời còn nhìn thấy xuyên qua trái tim và lương tâm con người nữa kia mà.

Lencho là một gã quê mùa, hiền lành, chất phát như một con bò. Dù làm việc như trâu, nhưng gã vẫn biết đọc biết viết. Chiều ngày hôm sau, Chủ Nhật, sau một ngày làm việc quần quật, tin chắc rằng mình có Trời hộ mệnh, gã bắt đầu viết một lá thơ. Chính gã sẽ mang vào phố, tự tay mình gởi đi.

Một lá thơ gởi cho Ông Trời.

"Thưa Ông Trời", gã hí hoáy, "Nếu Ông Trời không giúp con, thì con và cả gia đình sẽ đói năm nay. Con cần một trăm đồng Peso để mua hạt giống gieo lại trên ruộng, và cũng đế nuôi sống cả nhà trong khi chờ bắp đến mùa, vì cơn mưa đá..."

Ngoài bì thơ gã để: "Gửi Ông Trời", gã nhét tờ thơ vào phong bì, và còn lo xa hơn, đi vô tận phố gởi. Đến bưu điện, gã mua một con tem, cẩn thận dán rồi bỏ lá thơ vào thùng.

Một nhân viên bưu điện, là người phát thơ và cũng là người phụ việc trong bưu điện, vừa cầm lá thư đến mang đến cho ông xếp của mình vừa cười ha hả. Lần đầu tiên trong cuộc đời làm nghề "bưu điện" bao năm của hắn, hắn được thấy một cái địa chỉ như thế này. Ông Xếp - một người đàn ông mập tròn và đôn hậu - nhìn phong thơ cũng lăn ra cười nghiêng ngửa. Nhưng liền lập tức ông trở nên nghiêm trang, tay gõ nhè nhẹ lên phong thư trên bàn, ông phán:

- Thật là một niềm tin đáng quý! Tôi ước gì tôi cũng có niềm tin vào Ông Trời như anh chàng viết lá thư này. Tin tưởng tuyệt đối vào Trời Đất như anh ta. Hy vọng và tin bằng một cách duy nhất mà anh biết: Liên lạc với Ông Trời!

Và, Ông Xếp không muốn niềm tin trong sáng vào Ông Trời bị sụp đổ tan tành, nếu lá thư không phát được. Ông nghĩ ra một sáng kiến: trả lời thư. Nhưng khi mở thư ra xem, ông thấy rằng chỉ trả lời suông bằng lòng nhân đạo, bằng giấy và mực thì không đủ. Nhất định không thay đổi ý kiến: Ông động viên tất cả mọi nhân viên trong bưu điện, mỗi người một ít, quyên góp tiền để giúp cho Lencho. Chính ông cũng bỏ ra một phần lương của mình, ông còn quyên góp vận động bạn bè "làm việc phước thiện".

Dù cố gắng hết sức mình, Ông Xếp vẫn không tài nào quyên góp đủ 100 đồng peso, ông đành gởi cho người nông dân toàn bộ số tiền quyên góp, được hơn năm mươi mấy đồng. Ông Xếp bỏ những tờ giấy bạc vào phong bì thơ, dán lại. Ngoài bì thơ ông ghi người nhận là Lencho với địa chỉ, còn nơi người gởi thì ông chỉ để một chữ duy nhất: ÔNG TRỜI.

Chủ nhật tuần sau, Lencho đến bưu điện sớm hơn thường lệ. Gã hỏi có thơ nào gởi cho gã hay không. Cũng vẫn người phát thơ ấy tận tay giao lá thơ cho hắn, trong khi ở bên trong, Ông Xếp vô cùng hài lòng. Cái hài lòng của một người tự nhận biết mình vừa ẩn danh làm một việc phước thiện cao cả. Ông nhìn ra cửa văn phòng mình.

Lencho không tỏ một chút ngạc nhiên nào khi gã mở phong bì thơ và nhìn thấy những tờ bạc gởi từ Ông Trời - như Ông Xếp tưởng. Gã giận dữ khi đếm tiền... Ông Trời không thể nào lầm lỗi kinh khiếp như thế này được, không thể nào Ông Trời lại bài bác yêu cầu của gã!!!

Liền lập tức, Lencho bước tới quày hàng, trước khuôn cửa sổ, gã xin giấy mực. Ngồi xuống ngay cái bàn công cộng đặt trong bưu điện, gã bắt đầu cắm cúi viết, cặp chân mày chau lại, run run vì sự cố gắng tối đa gã phải tập trung để diễn tả cho hết những suy nghĩ trong đầu mình. Khi viết xong, gã trở lại quày, và trước khung cửa sổ gã mua một con tem. Lè lưỡi liếm tem, đặt con tem ngay ngắn lên bì thơ, gã đưa nắm tay đấm cái "rầm" lên phong bì.

Khi lá thơ lọt vào thùng thì Ông Xếp lật đật chụp lấy, mở ra đọc. Thơ viết:
"Gởi Ông Trời: Số tiền con xin Ông Trời, chỉ có bảy đồng Peso đến tay con mà thôi. Xin Ông Trời gởi cho con phần còn lại, vì con đang cần số tiền này lắm lắm. Nhưng Ông Trời đừng gởi qua đường bưu điện nữa, vì cái đám nhân viên bưu điện là một đám lưu manh! Lencho."

Các tác phẩm khác

Kiến trúc sư... đã xây nên Châu Mỹ  - Rau đắng

16/12/2014 17:00
Lượt xem 1832
Bị bắt quả tang, cô giáo xấu hổ đỏ bừng mặt. Chúng tôi cứ tưởng ông thanh tra sẽ đòi hỏi học sinh giải toán trước khi chép thơ. Ai ngờ... do vô tình, ông ấy đã thay đổi thứ tự công việc và thế là Chengis sa bẫy, trở thành nạn nhân khốn khổ của ông thanh tra.

Có làm thì mới có ăn...  - Rau đắng

16/12/2014 16:56
Lượt xem 2341
Ba mẹ nói thiệt đi, chăm chỉ hay lười biếng là tốt? Tại sao mọi người vẫn chê ông Zeinel lười biếng. Chính ba và mấy chú vẫn bảo ông ta ngu, thộn, đầu bò đấy thôi. Thế mà ông ta có nhà máy, cửa hàng, công ty,... rồi xe hơi, nhà lầu nữa... Con ông ấy cũng lại dốt nát, ngu đần không chịu học hành gì cả...

Tôi không ngờ em lại như vậy...  - Rau đắng

16/12/2014 16:53
Lượt xem 2663
Thế là theo sự tính toán chi tiết của Osman, thầy giáo phải bỏ ra mỗi ngày hơn 11 giờ đồng hồ để chấm cho xong bài kiểm tra của lớp tôi. Ngay cả khi thầy bỏ không ngủ, thầy cũng không có đủ thời giờ để làm hết việc. Sau khi nghe Osman giảng giải, cả lũ chúng tôi im lặng không nói được gì.

Vì sao tôi không trở thành nhà văn  - Rau đắng

16/12/2014 16:50
Lượt xem 2192
Bạn có thể tưởng tượng là tôi đau khổ đến thế nào. Sau đó, tôi kết luận là người thời nay sẽ không hiểu được văn chương cao siêu của tôi, nên tôi sẽ không chấp nhất với họ làm gì. Tôi quay sang làm thơ....

Cái kính  - Rau đắng

16/12/2014 16:49
Lượt xem 2691
Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học!

Hâm lại chất lãng mạn  - Rau đắng

16/12/2014 16:46
Lượt xem 2093
Một trong những vấn đề lớn của hôn nhân và hạnh phúc gia đình hiện nay là chất lãng mạn đã biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta. Ấy thế mà bạn tôi đã giải quyết thành công được vấn đề này...

Chiếc gương kỳ diệu  - Rau đắng

16/12/2014 16:45
Lượt xem 2056
Suốt đêm hôm đó trong thành phố đâu đâu cũng vang lên tiếng kính vỡ. Người ta thi nhau bỏ gương vào cối mà giã. Sáng ra những người phu hốt rác sửng sốt trước một cảnh tượng chưa từng thấy: khắp nơi nhà nào cũng ngổn ngang những đống gương vỡ, phố xá thì tràn ngập bụi kính.

Thiên đường và địa ngục  - Rau đắng

16/12/2014 16:42
Lượt xem 2197
Tôi lập tức bay theo. Tôi cảm thấy ở cái chốn thiên đường này bề ngoài thì sạch bên trong lại bẩn hơn rác rưởi. Tôi thà sống tiếp những ngày địa ngục ở thùng rác còn hơn! Cái thiên đường này bẩn đến mức loài ruồi cũng không muốn lưu lại một giây một phút!

Có nên làm bác sỹ không con ?  - Rau đắng

16/12/2014 16:39
Lượt xem 1411
Chúng ta thiếu thầy thuốc là thế, nhưng một số người vẫn phải chạy sang Âu, sang Mỹ kiếm ăn! Thì ra có những nhà thông thái nửa mùa của chúng ta muốn rằng các bác sĩ trẻ học ở nước ngoài trở về trước hết phải qua một kỳ sát hạch rồi mới được hành nghề...

Những bí mật của tình yêu  - Rau đắng

07/11/2014 11:13
Lượt xem 5492
Anh đừng lo - Vụ phó Lai-ôx nói - Tôi và vợ tôi đằng nào cũng không có chương trình vào tối nay. Thậm chí còn nghĩ mãi xem có việc để làm cho đỡ buồn không. Như vậy, chúng tôi sẽ trông con cho anh chị.

Hiển thị 41 - 50 tin trong 50 kết quả