Thơ

Anh vọng nghe tiếng em hát bên hồ  - Phạm Ngọc Thái  - Thơ

17/08/2015 07:45
Lượt xem 19134

Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
Đôi mắt mùa thu ru êm ả
Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió
Những đêm không chiếu, không màn

Tiếng hát ấy vẳng xa đã vào bụi cát
Em mãi còn kỉ niệm trong anh
Như hạnh phúc đời anh: cái thực là hư cả
Cái đã hư xưa mới chính thực là mình

Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
Chiếu ở rất xa,
                        qua hồn ta,
                                           trong mộng ủ
Ôi! Hư vô, sao quặn xiết lòng ta?
Hỡi đêm tàn!
Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...

PHẠM NGỌC THÁI
Trích tập "Rung động trái tim", Nxb Thanh niên 2009

LỜI BÌNH:  Nhà thơ Phạm Ngọc Thái có nhiều thơ hay, đặc biệt là thơ tình. Bài "Anh vọng nghe tiếng em hát bên hồ" này, cứ gieo vào tôi một nỗi cảm hoài da diết:
                              Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
                              Đôi mắt mùa thu ru êm ả
                              Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió
                              Những đêm không chiếu, không màn

      Tiếng hát mà ngày ấy thiếu nữ vẫn thường hát cho anh nghe trong những đêm trăng bên hồ. Người thiếu nữ có đôi mắt mùa thu dịu dàng, êm ái. Đây là mùa thu đất trời hay mùa thu trong em? Bởi hình ảnh mùa thu đây cũng chỉ còn được gợi lại trong kí ức cùng với tiếng hát của em vọng về, nó càng trở nên sâu lắng, khắc khoải.
     Hình tượng: Những đêm không chiếu, không màn /-  Nói về kỉ niệm những tháng năm của tình yêu tuổi trẻ, mơ mộng và thiêng liêng. "... không chiếu, không màn" cũng có nghĩa là màn trời, chiếu đất.  Nhưng màn trời, chiếu đất của những kiếp lang thang là cảnh cát bụi, gió mưa - Còn màn trời, chiếu đất để diễn tả về tình yêu gái trai lại là hình tượng có tính mĩ học của thiên nhiên. Những đêm không chiếu, không màn ấy... họ đã tha thiết yêu nhau. Và chính trong cái không gian mộng mơ đó, người con gái đã cất tiếng hát. Tiếng em nhỏ nhẹ chỉ đủ cho anh nghe, lẫn vào gió thổi cùng trăng sao.
     Đấy, cái khúc thơ đầu nhà thơ đã diễn tả về khung cảnh thiên nhiên và tình yêu bằng cảm xúc trào lên trái tim anh, để bật ra những lời thơ say đắm, thân thương. Kỉ niệm ngọt ngào quá !... Đáng yêu quá !... Giọng thơ khá du dương:
                             Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió...

     Sang khúc thứ hai, tác giả trở về với thực tại. Những năm tháng tươi đẹp, mộng mơ đã qua đi. Em cũng không còn bên anh. Nhà thơ thầm than:
                            Tiếng hát ấy vẳng xa đã vào bụi cát
                            Em mãi còn kỉ niệm trong anh

     Tất cả chìm lẫn trong cát bụi. Thơ đi vào triết lý về tháng năm và cuộc đời.  Khát vọng và thực tế. Tình yêu và sự chia ly. Đó là những mâu thuẫn của cuộc sống. Nhà thơ phát biểu về hạnh phúc của đời anh thế nào?
                            Như hạnh phúc đời anh: cái thực là hư cả
                            Cái đã hư xưa mới chính thực là mình

     Ở hai câu trên của khúc thứ hai như vừa phân tích, là tác giả nói về sự bất diệt của tình yêu! Mặc dù tình đã qua, tất cả vào cát bụi... nhưng em mãi mãi là một kỉ niệm không phai mờ  trong anh. Mang màu sắc hoài niệm.
     Còn hai câu dưới thì triết lí: Cuộc sống của anh hôm nay, cái vẫn đang tồn tại lại chính là... hư ảo? Còn cái đã vào hư ảo, mới thực là hạnh phúc của cuộc đời. Xin phân tích ít nét về sự triết lý của hai câu thơ này, hay thế nào?

     Vì sao cái "thực" lại là "hư"? Câu thơ có ý ẩn, cảm xúc phát ra từ tâm linh. Nghĩa là về "thần" chứ không phải về "chất". Tính triết lí nó nằm trong linh hồn con người hơn là bản thể. Tức là, dù tháng năm cát bụi, nhưng tình em mãi mãi còn trong cuộc sống cũng như trái tim anh. Cho nên, chính cái tình yêu "hư ảo" ấy đã trở thành ý nghĩa tồn tại, giá trị đời sống tinh thần của nhà thơ.
    Ta lại thấy, nếu mặt phải của tình yêu là nguồn hạnh phúc vô biên - Thì mặt trái của nó khi bị tan vỡ, bên những khổ đau dày vò và thương tiếc... cũng là nguồn hạnh phúc cuộc đời. Chính tính triết lý hai mặt này, về phương diện thi ca đã đẩy nỗi thơ đi đến sự tột cùng. Để nói về giá trị lớn lao, bất hủ của tình yêu! Vậy là, từ cái kí ức nhớ về tiếng hát của người thiếu nữ xưa vọng trong tâm trí, nhà thơ đã dệt nên cả một bản tình xô-nát bên hồ.

     Sang khúc thứ ba, khúc thơ cuối cùng:    

                            Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
                            Chiếu ở rất xa,
                                                      qua hồn ta,
                              
                                             trong mộng ủ
                            Ôi! Hư vô, sao quặn xiết lòng ta?
      Có khi người ta nói: cuộc đời dài lê thê. Đấy là trong cuộc sống bất hạnh, nhiều khổ đau. Dân gian cũng thường hay ví như một câu ngạn ngữ: đằng đẵng cả một kiếp người? Còn khi hạnh phúc, niềm vui nhiều hơn nỗi buồn - Người ta lại thường nói: thoáng cái đã trôi qua một đời người. Hoặc, cuộc đời vụt trôi như một cánh chim bay, như một giấc mơ, v.v...
    Ở đây tác giả viết: Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ /-  Nói là "cuộc đời", nhưng thực ra ý của nhà thơ muốn nói về những tháng năm hạnh phúc bên em đã vèo trôi qua mất rồi. Tình yêu chỉ còn là hoài vọng với nỗi nhớ cồn cào, da diết. Như ngay trong câu đầu tiên của bài:
                            Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
                            Đôi mắt mùa thu ru êm ả...
     Đến thân hình, ánh mắt, giọng nói... của em yêu ngày nào, cũng chỉ còn lại với anh bằng ảo ảnh mà thôi. Hay như câu thơ ở khúc thứ hai vừa phân tích:
                            Như hạnh phúc đời anh: cái thực là hư cả
     Nghĩa là sự tồn tại của anh hôm nay chỉ là xác thể. Còn linh hồn, trái tim anh đã theo tình yêu của em bay xa rồi - Thơ vẫn là thơ mà... Cho nên, cái năm tháng ngắn ngủi với em chính là hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống của đời anh. Nó đã vụt trôi qua như một bóng mây trong cả vũ trụ hoang vắng này.
     Khúc thứ ba cũng là sự triết lí để nói về tình yêu và cuộc sống, nhưng nó được sử dụng bằng hình ảnh của thiên nhiên, trời đất. Vũ trụ đã ập vào làm thành hình tượng thi ca của Phạm Ngọc Thái. Tình yêu với em trôi qua như một áng mây trên cả bầu trời mênh mông. Đó phải là một áng mây rạng rỡ, đẹp nhất của tháng năm, tận khoảng xa xăm nào đó chiếu vọng về: Chiếu ở rất xa... /
qua hồn ta.../ trong mộng ủ...
     Kí ức tình yêu xưa hiển hiện,  trở về làm xao động trái tim. Nó chiếu ánh lên trong tâm hồn hay chập chờn trong những giấc mơ. Hư vô đấy, thế mà: Ôi! Hư vô, sao quặn xiết lòng ta? /-  Lời thơ thiết tha và xa xót. Đến câu kết, tác giả điệp lại âm vang tiếng hát của câu thơ đầu:
                            Hỡi đêm tàn!
                            Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...
     Hình ảnh "đêm tàn" gợi cho ta về những đêm dài thao thức, nhà thơ đắm chìm trong nỗi nhớ người yêu.  Hình ảnh rất chân thực nhưng đầy mộng. Bài thơ chỉ xoay quanh tiếng hát của người con gái bên hồ, đã được khai thác triệt để bằng cảm xúc của trái tim, tâm hồn tác giả, rồi sử dụng cảnh trời đất, vũ trụ để minh họa và triết lí. Nhờ có tính triết lí mà thơ không bị rơi vào sự uỷ mị. Tất cả quyện vào nhau, khúc triết.
     Một bài thơ tự do ba khúc, mười hai câu. Độ ngắn dài của mỗi câu tuỳ thuộc vào cảm xúc của nhà thơ. Có lúc kéo dài ra như ở câu đầu:
                            Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
     Tiếp theo là một câu ngắn, để cho hình ảnh tích đọng vào ánh mắt của người yêu:
                          Đôi mắt mùa thu ru êm ả
     Sau đó thơ lại kéo dài ra tả về cảnh xưa êm đềm:
                          Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió
Nhưng có đoạn được gieo như thể thơ bậc thang. Thí dụ ở khúc thứ ba như đã nói trên:
                          Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
                          Chiếu ở rất xa /
                                                      qua hồn ta /
                              
                                             trong mộng ủ /
      Đến cuối cùng giọng thơ đổ xuống, xàng xê như một bài ca vọng cổ vậy:
                          Hỡi đêm tàn!
                          Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...

     Thơ tự do hiện đại Phạm Ngọc Thái thực sự là rất mới. Thơ viết phóng khoáng, chuyển đổi tứ tự nhiên, hình ảnh, ngôn ngữ sinh động trong nhịp điệu thi ca... mà không rơi vào sự mượt mà nhàm chán. Có thể nói - Tác giả thuộc các nhà thơ tự do, gieo thơ hiện đại đã vào hàng bậc tinh luyện, nhẹ nhàng.

Các tác phẩm khác

Đại Nam quốc sử diễn ca - III. Nhà Triệu (207-111 trước TL)  - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - Thơ

08/01/2015 08:51
Lượt xem 32620
1. Triệu Vũ vương thần phục nhà Hán
2. Triệu-Văn-vương và Triệu-Minh-vương
3. Cù-thị xin nhập Hán
4. Lữ-Gia phá mưu Cù-Thị
5. Hán đánh Nam-Việt
6. Nhà Triệu mất

Đại Nam quốc sử diễn ca - IV. Nhà Hán và Hai bà Trưng (111 trước TL - 43 sau TL)  - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - Thơ

08/01/2015 08:48
Lượt xem 19042
1. Chính sách nhà Tây Hán
2. Hai bà Trưng dựng nền Dộc-lập

Đại Nam quốc sử diễn ca - V. Giao Châu trong thời Bắc thuộc (43-544)  - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - Thơ

08/01/2015 08:46
Lượt xem 30231
1. Chính sách nhà Đông Hán
2. Lý-Tiến, Lý-Cầm làm quan nhà Hán
3. Họ Sĩ tự-chủ.
4. Bà Triệu-Ẩu đánh Ngô
5. Ngô Tấn tranh nhau Giao-Châu
6. Chính-sách nhà Tấn
7. Họ Đỗ ba đời làm thứ-sử
8. Giao-châu loạn

Đại Nam quốc sử diễn ca - VI. Nhà Tiền Lý (544-603)  - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - Thơ

08/01/2015 08:43
Lượt xem 19580
1. Lý-Nam-Đế dựng nền độc-lập
2. Triệu-Quang-Phục phá Lương
3. Lý-Phật-Tử đánh Triệu-quang-Phục
4. Lý-Phật-Tử hàng Tuỳ

Đại Nam quốc sử diễn ca - VII. Nền đô-hộ của nhà Đương (603-905)  - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - Thơ

08/01/2015 08:37
Lượt xem 13333
1. An-nam đô-hộ-phủ
2. Mai-Thúc-Loan khởi-nghĩa
3. Giặc Đồ-Bà
4. Phùng-Hưng khởi nghĩa
5. Chuyện Lý-Ông-Trọng
6. Quan-lại nhà Đường
7. Giặc Nam-Chiếu
8. Cao-Biền dẹp Nam-Chiếu

Đại Nam quốc sử diễn ca - VIII. Nhà Ngô (906 - 967) - IX. Nhà Đinh và nhà Tiền Lê (967-1009)  - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - Thơ

08/01/2015 08:37
Lượt xem 18592
1. Thập-nhị sứ-quân
2. Đinh-Bộ-Lĩnh hợp nhất quốc-gia
3. Chính sách nhà Đinh
4. Nhà Đinh mất ngôi
5. Lê-Hoàn phá quân Tống
6. Nhà Lê thất-chính

Đại Nam quốc sử diễn ca - X. Nhà Hậu Lý (1010 - 1225)  - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - Thơ

08/01/2015 08:34
Lượt xem 16416
1. Lý-Thái-Tổ
2. Lý-Thái-Tông bình Nùng, phục Chiêm
3. Lý-Thánh-Tông, một ông vua nhân dũng
4. Bà Ỷ-Lan nhiếp-chánh
5. Lý-Thường-Kiệt bại Chiêm, phá Tống
6. Lý-Thần-Tông khuyến khích việc nông
7. Đỗ-Anh-Vũ lộng quyền
8. Tài kinh-quốc của Tô-Hiến-Thành
9. Lý-Cao-Tổ thất-chính
10. Họ Trần giúp vua Lý
11. Lý Huệ-Tông phát điên
12. Lý Chiêu-Hoàng nhường ngôi cho chồng

Đại Nam quốc sử diễn ca - XI. Nhà Trần (Thời kỳ thịnh trị: 1226-1340)  - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - Thơ

08/01/2015 08:27
Lượt xem 40673
1. Những việc cải cách đầu tiên
2. Văn-học và võ-công
3. Phong-tục đời Trần
4. Đức-độ và chánh-trị của Trần-Thánh-tông
5. Trần-Hưng-Đạo phá Mông-Cổ
6. Anh-tông và Minh-tông
7. Việc đánh dẹp về đời Hiến-tông

Đại Nam quốc sử diễn ca - XII. Nhà Trần (Thời kỳ suy vi: 1341-1400)  - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - Thơ

08/01/2015 08:24
Lượt xem 18377
1. Nhà Trần bắt đầu suy
2. Dương-Nhật-Lễ tiếm-vị
3. Chiêm-thành xâm-nhiễu
4. Lê-Quý-Ly phế-lập

Đại Nam quốc sử diễn ca - XIII. Nhà Hồ và giặc nhà Minh (1400-1418)  - Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái - Thơ

08/01/2015 08:23
Lượt xem 29280
1. Nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần
2. Quân Minh diệt nhà Hồ
3. Trần-Giản-Định chống Minh
4. Trần-Trùng-Quang chống Minh
5. Quân Minh chiếm toàn cõi Đại-Việt
6. Chính-sách nhà Minh

Hiển thị 381 - 390 tin trong 2678 kết quả