Thơ

Anh vọng nghe tiếng em hát bên hồ  - Phạm Ngọc Thái  - Thơ

17/08/2015 07:45
Lượt xem 19138

Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
Đôi mắt mùa thu ru êm ả
Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió
Những đêm không chiếu, không màn

Tiếng hát ấy vẳng xa đã vào bụi cát
Em mãi còn kỉ niệm trong anh
Như hạnh phúc đời anh: cái thực là hư cả
Cái đã hư xưa mới chính thực là mình

Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
Chiếu ở rất xa,
                        qua hồn ta,
                                           trong mộng ủ
Ôi! Hư vô, sao quặn xiết lòng ta?
Hỡi đêm tàn!
Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...

PHẠM NGỌC THÁI
Trích tập "Rung động trái tim", Nxb Thanh niên 2009

LỜI BÌNH:  Nhà thơ Phạm Ngọc Thái có nhiều thơ hay, đặc biệt là thơ tình. Bài "Anh vọng nghe tiếng em hát bên hồ" này, cứ gieo vào tôi một nỗi cảm hoài da diết:
                              Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
                              Đôi mắt mùa thu ru êm ả
                              Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió
                              Những đêm không chiếu, không màn

      Tiếng hát mà ngày ấy thiếu nữ vẫn thường hát cho anh nghe trong những đêm trăng bên hồ. Người thiếu nữ có đôi mắt mùa thu dịu dàng, êm ái. Đây là mùa thu đất trời hay mùa thu trong em? Bởi hình ảnh mùa thu đây cũng chỉ còn được gợi lại trong kí ức cùng với tiếng hát của em vọng về, nó càng trở nên sâu lắng, khắc khoải.
     Hình tượng: Những đêm không chiếu, không màn /-  Nói về kỉ niệm những tháng năm của tình yêu tuổi trẻ, mơ mộng và thiêng liêng. "... không chiếu, không màn" cũng có nghĩa là màn trời, chiếu đất.  Nhưng màn trời, chiếu đất của những kiếp lang thang là cảnh cát bụi, gió mưa - Còn màn trời, chiếu đất để diễn tả về tình yêu gái trai lại là hình tượng có tính mĩ học của thiên nhiên. Những đêm không chiếu, không màn ấy... họ đã tha thiết yêu nhau. Và chính trong cái không gian mộng mơ đó, người con gái đã cất tiếng hát. Tiếng em nhỏ nhẹ chỉ đủ cho anh nghe, lẫn vào gió thổi cùng trăng sao.
     Đấy, cái khúc thơ đầu nhà thơ đã diễn tả về khung cảnh thiên nhiên và tình yêu bằng cảm xúc trào lên trái tim anh, để bật ra những lời thơ say đắm, thân thương. Kỉ niệm ngọt ngào quá !... Đáng yêu quá !... Giọng thơ khá du dương:
                             Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió...

     Sang khúc thứ hai, tác giả trở về với thực tại. Những năm tháng tươi đẹp, mộng mơ đã qua đi. Em cũng không còn bên anh. Nhà thơ thầm than:
                            Tiếng hát ấy vẳng xa đã vào bụi cát
                            Em mãi còn kỉ niệm trong anh

     Tất cả chìm lẫn trong cát bụi. Thơ đi vào triết lý về tháng năm và cuộc đời.  Khát vọng và thực tế. Tình yêu và sự chia ly. Đó là những mâu thuẫn của cuộc sống. Nhà thơ phát biểu về hạnh phúc của đời anh thế nào?
                            Như hạnh phúc đời anh: cái thực là hư cả
                            Cái đã hư xưa mới chính thực là mình

     Ở hai câu trên của khúc thứ hai như vừa phân tích, là tác giả nói về sự bất diệt của tình yêu! Mặc dù tình đã qua, tất cả vào cát bụi... nhưng em mãi mãi là một kỉ niệm không phai mờ  trong anh. Mang màu sắc hoài niệm.
     Còn hai câu dưới thì triết lí: Cuộc sống của anh hôm nay, cái vẫn đang tồn tại lại chính là... hư ảo? Còn cái đã vào hư ảo, mới thực là hạnh phúc của cuộc đời. Xin phân tích ít nét về sự triết lý của hai câu thơ này, hay thế nào?

     Vì sao cái "thực" lại là "hư"? Câu thơ có ý ẩn, cảm xúc phát ra từ tâm linh. Nghĩa là về "thần" chứ không phải về "chất". Tính triết lí nó nằm trong linh hồn con người hơn là bản thể. Tức là, dù tháng năm cát bụi, nhưng tình em mãi mãi còn trong cuộc sống cũng như trái tim anh. Cho nên, chính cái tình yêu "hư ảo" ấy đã trở thành ý nghĩa tồn tại, giá trị đời sống tinh thần của nhà thơ.
    Ta lại thấy, nếu mặt phải của tình yêu là nguồn hạnh phúc vô biên - Thì mặt trái của nó khi bị tan vỡ, bên những khổ đau dày vò và thương tiếc... cũng là nguồn hạnh phúc cuộc đời. Chính tính triết lý hai mặt này, về phương diện thi ca đã đẩy nỗi thơ đi đến sự tột cùng. Để nói về giá trị lớn lao, bất hủ của tình yêu! Vậy là, từ cái kí ức nhớ về tiếng hát của người thiếu nữ xưa vọng trong tâm trí, nhà thơ đã dệt nên cả một bản tình xô-nát bên hồ.

     Sang khúc thứ ba, khúc thơ cuối cùng:    

                            Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
                            Chiếu ở rất xa,
                                                      qua hồn ta,
                              
                                             trong mộng ủ
                            Ôi! Hư vô, sao quặn xiết lòng ta?
      Có khi người ta nói: cuộc đời dài lê thê. Đấy là trong cuộc sống bất hạnh, nhiều khổ đau. Dân gian cũng thường hay ví như một câu ngạn ngữ: đằng đẵng cả một kiếp người? Còn khi hạnh phúc, niềm vui nhiều hơn nỗi buồn - Người ta lại thường nói: thoáng cái đã trôi qua một đời người. Hoặc, cuộc đời vụt trôi như một cánh chim bay, như một giấc mơ, v.v...
    Ở đây tác giả viết: Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ /-  Nói là "cuộc đời", nhưng thực ra ý của nhà thơ muốn nói về những tháng năm hạnh phúc bên em đã vèo trôi qua mất rồi. Tình yêu chỉ còn là hoài vọng với nỗi nhớ cồn cào, da diết. Như ngay trong câu đầu tiên của bài:
                            Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
                            Đôi mắt mùa thu ru êm ả...
     Đến thân hình, ánh mắt, giọng nói... của em yêu ngày nào, cũng chỉ còn lại với anh bằng ảo ảnh mà thôi. Hay như câu thơ ở khúc thứ hai vừa phân tích:
                            Như hạnh phúc đời anh: cái thực là hư cả
     Nghĩa là sự tồn tại của anh hôm nay chỉ là xác thể. Còn linh hồn, trái tim anh đã theo tình yêu của em bay xa rồi - Thơ vẫn là thơ mà... Cho nên, cái năm tháng ngắn ngủi với em chính là hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống của đời anh. Nó đã vụt trôi qua như một bóng mây trong cả vũ trụ hoang vắng này.
     Khúc thứ ba cũng là sự triết lí để nói về tình yêu và cuộc sống, nhưng nó được sử dụng bằng hình ảnh của thiên nhiên, trời đất. Vũ trụ đã ập vào làm thành hình tượng thi ca của Phạm Ngọc Thái. Tình yêu với em trôi qua như một áng mây trên cả bầu trời mênh mông. Đó phải là một áng mây rạng rỡ, đẹp nhất của tháng năm, tận khoảng xa xăm nào đó chiếu vọng về: Chiếu ở rất xa... /
qua hồn ta.../ trong mộng ủ...
     Kí ức tình yêu xưa hiển hiện,  trở về làm xao động trái tim. Nó chiếu ánh lên trong tâm hồn hay chập chờn trong những giấc mơ. Hư vô đấy, thế mà: Ôi! Hư vô, sao quặn xiết lòng ta? /-  Lời thơ thiết tha và xa xót. Đến câu kết, tác giả điệp lại âm vang tiếng hát của câu thơ đầu:
                            Hỡi đêm tàn!
                            Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...
     Hình ảnh "đêm tàn" gợi cho ta về những đêm dài thao thức, nhà thơ đắm chìm trong nỗi nhớ người yêu.  Hình ảnh rất chân thực nhưng đầy mộng. Bài thơ chỉ xoay quanh tiếng hát của người con gái bên hồ, đã được khai thác triệt để bằng cảm xúc của trái tim, tâm hồn tác giả, rồi sử dụng cảnh trời đất, vũ trụ để minh họa và triết lí. Nhờ có tính triết lí mà thơ không bị rơi vào sự uỷ mị. Tất cả quyện vào nhau, khúc triết.
     Một bài thơ tự do ba khúc, mười hai câu. Độ ngắn dài của mỗi câu tuỳ thuộc vào cảm xúc của nhà thơ. Có lúc kéo dài ra như ở câu đầu:
                            Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
     Tiếp theo là một câu ngắn, để cho hình ảnh tích đọng vào ánh mắt của người yêu:
                          Đôi mắt mùa thu ru êm ả
     Sau đó thơ lại kéo dài ra tả về cảnh xưa êm đềm:
                          Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió
Nhưng có đoạn được gieo như thể thơ bậc thang. Thí dụ ở khúc thứ ba như đã nói trên:
                          Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
                          Chiếu ở rất xa /
                                                      qua hồn ta /
                              
                                             trong mộng ủ /
      Đến cuối cùng giọng thơ đổ xuống, xàng xê như một bài ca vọng cổ vậy:
                          Hỡi đêm tàn!
                          Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...

     Thơ tự do hiện đại Phạm Ngọc Thái thực sự là rất mới. Thơ viết phóng khoáng, chuyển đổi tứ tự nhiên, hình ảnh, ngôn ngữ sinh động trong nhịp điệu thi ca... mà không rơi vào sự mượt mà nhàm chán. Có thể nói - Tác giả thuộc các nhà thơ tự do, gieo thơ hiện đại đã vào hàng bậc tinh luyện, nhẹ nhàng.

Các tác phẩm khác

Một lời quan họ  - Hoàng Cầm - Thơ

08/01/2015 20:34
Lượt xem 39891
Có mấy dòng sông vòng chảy ngược
Mà em xuôi mãi xuống Tào Khê
Đến đâu là cõi không đầy ải
Đôi mảnh hồn ngây lạc lối về

Ngã ba sông  - Hoàng Cầm - Thơ

08/01/2015 20:33
Lượt xem 43335
Mắt em đi suốt vòng thân phận
Chỉ được quay về lúc lệ rơi.
Hồn em thả hết nguồn thi tứ
Chỉ được bừng lên lúc miệng cười.

Nước sông Thương  - Hoàng Cầm - Thơ

08/01/2015 20:32
Lượt xem 41268
Em vắt quả cam vàng đầu ngọn sông Thương
Mắt tròn cối xay
Chẳng bao giờ ngủ trước sao mai

Tắm đêm  - Hoàng Cầm - Thơ

08/01/2015 20:31
Lượt xem 50950
Em gánh gạo về dinh phú hộ
Nứt vai thành sẹo lá lan đao

Tu  - Hoàng Cầm - Thơ

08/01/2015 20:31
Lượt xem 81520
Tôi về tu cõi ai đây
Không ăn chay để nằm chay hết mình
Tôi đi quằn quại u minh
Gửi đăng thơ cuối chương trình đỏ hoe

Thi đánh đu  - Hoàng Cầm - Thơ

08/01/2015 20:30
Lượt xem 40671
Luồn tay ta ôm say
Giấc bay lay đỉnh núi
Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành

Nhận lỗi  - Hoàng Cầm - Thơ

08/01/2015 20:29
Lượt xem 56922
Dây diều nghìn thước
Anh đòi em bay đỉnh Thái Sơn
Em không vượt quá vòng định ước
Anh buồn đau
Anh giận hờn
Anh gọi em tên phản bội

Giả vờ  - Hoàng Cầm - Thơ

08/01/2015 20:28
Lượt xem 38434
Giả vờ chim chích lạc đường
Loáng qua cửa sổ anh từng ngó đêm
Giả vờ hỏi phố không tên
Ðể không ai biết chờ em phố nào

Một mình  - Hoàng Cầm - Thơ

08/01/2015 20:28
Lượt xem 28473
Dường như
cánh gió không bay
Lời ca không hát
Rượu đầy không men

Thương em  - Hoàng Cầm - Thơ

08/01/2015 20:27
Lượt xem 51389
Thương em rỡn sóng mà quên
Dọc đê toàn ớt chỉ thiên tía hồng
Đôi ba xuân khép một vòng
Trói người xé lưỡi, mắt ròng tuổi mưa

Hiển thị 241 - 250 tin trong 2678 kết quả