Thơ

Nguyễn Du (1765 - 1820) - Tiểu sử và Sự nghiệp  - goldonline.vn  - Thơ

22/12/2014 10:47
Lượt xem 21605

nguồn : http://vi.wikipedia.org

xem thêm : tác phẩm

Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; Sinh năm Ất Dậu 1765– mất năm Canh Thìn 1820) tên chữ Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ (鴻山獵戶), là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam. Ông là một nhà thơ lớn của Việt Nam, được người Việt kính trọng gọi ông là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, Nguyễn Du được Hội đồng hòa bình thế giới công nhận là danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỷ niệm trọng thể nhân dịp 200 năm ngày sinh của ông [1][2].

Tiểu sử

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn ở làng Nghi Xuân, Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (tức ngày 3 tháng 1 năm 1766 tại phường Bích Câu, Thăng Long. Cha là Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), sinh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, tên tự Hy Di, hiệu Nghi Hiên, có biệt hiệu là Hồng Ngự cư sĩ đậu Nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Đại tư đồ (Tể tướng), tước Thượng thư bộ Hộ triều Lê. Mẹ là bà Trần Thị Tần [3] (24 tháng 8 năm 1740 - 27 tháng 8 năm 1778), con gái một người làm chức câu kế. Quê làng Hoa Thiều, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du (Đông Ngàn), xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Bà Tần là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm (kém chồng 32 tuổi sinh được năm con, bốn trai và một gái).[4][5]

Tổ tiên của Nguyễn Du có nguồn gốc từ làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội), sau di cư vào Hà Tĩnh, có truyền thống khoa hoạn nổi danh ở làng Tiên Điền về thời Lê mạt. Trước ông, sáu bảy thế hệ viễn tổ đã từng đỗ đạt làm quan.

Năm Đinh Hợi (1767), khi Nguyễn Du mới một tuổi, Nguyễn Nghiễm được thăng Thái tử Thái bảo, hàm tòng nhất phẩm, tước Xuân Quận công nên Nguyễn Du thời đó sống trong giàu sang phú quý.

Năm Giáp Ngọ (1774), cha Nguyễn Du sung chức tả tướng, cùng Hoàng Ngũ Phúc đi đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Từ thời gian này Nguyễn Du chịu nhiều mất mát:

  1. Năm 1775 (Ất Mùi) anh trai cùng mẹ là Nguyễn Trụ (sinh 1757) qua đời.
  2. Năm 1776 (Bính Thân) cha Nguyễn Du qua đời.
  3. Năm 1778 (Mậu Tuất) bà Trần Thị Tần, mẹ Nguyễn Du qua đời. Cũng trong năm này, anh thứ hai của Nguyễn Du là Nguyễn Điều (sinh năm 1745) được bổ làm Trấn thủ Hưng Hóa. mới 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ nên ông phải ở với người anh khác mẹ là Nguyễn Khản (hơn ông 31 tuổi)

Năm Canh Tý (1780), Nguyễn Khản là anh cả của Nguyễn Du đang làm Trấn thủ Sơn Tây bị khép tội mưu loạn trong Vụ án năm Canh Tý, bị bãi chức và bị giam ở nhà Châu Quận công. Lúc này Nguyễn Du được một người thân của Nguyễn Nghiễm là Đoàn Nguyễn Tuấn đón về Sơn Nam Hạ nuôi ăn học.

Năm Nhâm Dần (1782), Trịnh Sâm mất, Kiêu binh phế Trịnh Cán, lập Trịnh Tông lên ngôi chúa. Hai anh của Nguyễn Du là Nguyễn Khản được làm Thượng thư bộ Lại, tước Toản Quận công, Nguyễn Điều làm Trấn thủ Sơn Tây.

Năm Quý Mão (1783) Nguyễn Du thi Hương ở trường Sơn Nam, đậu Tam trường (Tú tài). Ông lấy vợ là con gái Đoàn Nguyễn Thục và ông được tập ấm chức Chánh thủ hiệu hiệu quân Hùng hậu của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Cũng trong năm này anh cùng mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Đề (sinh 1761) đỗ đầu kỳ thi Hương ở điện Phụng Thiên, và Nguyễn Khản đầu năm thăng chức Thiếu Bảo, cuối năm thăng chức Tham tụng.

Năm Giáp Thìn Tháng 2 năm (1784), kiêu binh nổi dậy đưa hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên làm thái tử. Tư dinh của Nguyễn Khản ở phường Bích Câu, Thăng Long bị phá, Nguyễn Khản phải trốn lên ở với em là Nguyễn Điều đang là trấn thủ Sơn Tây. Đến năm 1786 thì Nguyễn Khản bị mắc bệnh rồi chết ở Thăng Long.

Năm Kỷ Hợi (1789) Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Đoàn Nguyễn Tuấn hợp tác với Tây Sơn, giữ chức Thị lang bộ Lại. Lúc này Nguyễn Du về ở quê vợ (Quỳnh Côi, Thái Bình).

Tháng mười, năm Tân Hợi (1791), anh thứ tư cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh do chống Tây Sơn nên bị bắt và bị giết, dinh cơ họ Nguyễn ở Tiên Điền Hà Tĩnh bị Tây Sơn phá hủy.

Năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Du về thăm quê Tiên Điền và đến cuối năm ông vào kinh đô Phú Xuân thăm anh là Nguyễn Đề đang làm thái sử ở viện cơ mật và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn.

Năm Giáp Dần (1794), Nguyễn Đề được thăng Tả phụng nghi bộ Binh và vào Quy Nhơn giữ chức Hiệp tán nhung vụ. Đến năm 1795 Nguyễn Đề đi sứ sang Yên Kinh dự lễ nhường ngôi của vua Càn Long nhà Thanh, đến năm 1796 trở về được thăng chức Tả đồng nghị Trung thư sảnh.

Mùa đông năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du trốn vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh nhưng bị Quận công Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An. sau khi được tha ông về sống ở Tiên Điền. Trong thời gian bị giam ông có làm thơ My trung mạn hứng (Cảm hứng trong tù)

Mùa thu năm Nhâm Tuất (1802), Vua Gia Long diệt nhà Tây Sơn. Nguyễn Du ra làm quan Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Mấy tháng sau thăng tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc Hà Nội).

Năm Quý Hợi (1803), Nguyễn Du được cử lên ải Nam Quan tiếp sứ nhà Thanh sang phong sắc cho vua Gia Long.

Năm Ất Sửu (1805) ông được thăng Đông các đại học sĩ (hàm Ngũ phẩm), tước Du Đức hầu và vào nhậm chức ở kinh đô Phú Xuân. Năm Đinh Mão (1807) được cử làm giám khảo kỳ thi Hương ở Hải Dương. Mùa thu năm Mậu Thìn (1808), ông xin về quê nghỉ.

Năm Kỷ Tỵ (1809) ông được bổ chức Cai bạ (hàm Tứ phẩm) ở Quảng Bình

Năm Quý Dậu (1813) ông được thăng Cần chánh điện Đại học sĩ và được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 1814 ông đi sứ về, được thăng Hữu tham chi bộ Lễ (hàm Tam phẩm).

Năm Bính Tý (1816), anh rể Nguyễn Du là Vũ Trinh vì liên quan đến vụ án cha con Tổng trấn Nguyễn Văn Thành nên bị đày vào Quảng Nam.

Năm (Canh Thìn) 1820 Gia Long qua đời Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch (16 tháng 9 năm Canh Thìn (1820) lúc 54 tuổi.

Năm Giáp Thân (1824), di cốt của ông được cải táng về quê nhà là làng Tiên Điền, Hà Tĩnh[6].

Đại Nam thực lục chép về Nguyễn Du: Du là người Nghệ An, học rộng giỏi thơ, càng giỏi về Quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì.[7] Đại Nam liệt truyện chép: Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tõ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến, sợ hãi như không nói được.[8] Người đời sau, như ý kiến của các ông Trịnh Vân Định, Trần Nho Thìn cho đó là một cách khéo léo để giữ toàn mạng và thăng tiến trong thời loạn, mặc dù trong văn thơ của Nguyễn Du thường đề cao những anh hùng thời loạn, nhưng ông chọn cách sống khác, cống hiến nhưng "ẩn dật" trong chốn quan trường. [9]

Tác phẩm

Qua các tác phẩm của Nguyễn Du, nét nổi bật chính là sự đề cao xúc cảm. Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc, như: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành... nên ở thể thơ nào, ông cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt hơn cả là tài làm thơ bằng chữ Nôm của ông, mà đỉnh cao là Truyện Kiều, đã cho thấy thể thơ lục bát có khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn trong thể loại truyện thơ.

Chính trên cơ sở này mà trong thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của một bức tranh hiện thực đa dạng. Và giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, Nguyễn Du hiện ra: vừa dạt dào yêu thương, vừa bừng bừng căm giận. Đây là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du. Từ thơ chữ Hán đến truyện Kiều, nó tạo nên cái sức sống kỳ lạ ở hầu hết tác phẩm của ông.[10]

Văn bản

Sáng tác của Nguyễn Du được lưu hành ngay từ lúc ông còn sống. Tương truyền Truyện Kiều được Phạm Quý Thích nhuận sắc và cho in ở phố Hàng Gai - Hà Nội lúc ấy. Sau khi Nguyễn Du mất chỉ vài chục năm, vua Tự Đức từng có sớ cho quan tỉnh Nghệ An thu thập tất cả di cảo của Nguyễn Du để đưa về kinh. Từ đó đến nay, việc sưu tập, nghiên cứu phổ biến di sản văn học của Nguyễn Du vẫn còn tiếp tục. Còn có những ý kiến hồ nghi tác giả một số bài thơ chữ Hán vẫn được coi là của Nguyễn Du. Việc xác định thời điểm ra đời của các tác phẩm chưa được giải quyết, kể cả thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Mặc dù đã mất nhiều công sức, nhưng các ý kiến trong giới nghiên cứu vẫn còn rất khác nhau.[11]

Tác phẩm bằng chữ Hán

Những tác phẩm bằng chữ Hán của Nguyễn Du rất nhiều, nhưng mãi đến năm 1959 mới được ba nhà nho là: Bùi Kỷ, Phan VõNguyễn Khắc Hanh sưu tầm, phiên dịch, chú thích và giới thiệu tập: Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn hóa, 1959) chỉ gồm có 102 bài. Đến năm 1965 NXB Văn học đã ra Thơ chữ Hán Nguyễn Du tập mới do Lê ThướcTrương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp, gồm 249 bài như sau:

  • Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài, viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn.
  • Nam trung tạp ngâm (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) gồm 40 bài, viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh.
  • Bắc hành tạp lục (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc.

Tác phẩm bằng chữ Nôm

Những tác phẩm bằng chữ Nôm của Nguyễn Du gồm có:

  • Đoạn trường tân thanh (Tiếng than van mới đau lòng đứt ruột. Tên phổ biến là Truyện Kiều), được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Nội dung của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Nội dung chính của truyện xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thuý Kiều, nhân vật chính trong truyện, một cô gái có tài sắc. Về thời điểm sáng tác, Từ điển văn học (bộ mới) ghi: "Có thuyết cho rằng Nguyễn Du viết ra sau khi ông đi sứ Trung Quốc (1814-1820), có thuyết cho nói ông viết trước khi đi sứ, có thể vào khoảng thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809). Thuyết sau được nhiều người chấp nhận hơn" [12].
  • Văn chiêu hồn (tức Văn tế thập loại chúng sinh, dịch nghĩa: Văn tế mười loại chúng sinh), hiện chưa rõ thời điểm sáng tác. Trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của ông Trần Thanh Mại trên "Đông Dương tuần báo" năm 1939, thì Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn. Ông Hoàng Xuân Hãn cho rằng có lẽ Nguyễn Du viết Văn chiêu hồn trước cả Truyện Kiều, khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812). Tác phẩm được làm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm.
  • Thác lời trai phường nón, 48 câu, được viết bằng thể lục bát. Nội dung là thay lời anh con trai phường nón làm thơ tỏ tình với cô gái phường vải.
  • Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, 98 câu, viết theo lối văn tế, để bày tỏ nỗi uất hận vì mối tình với hai cô gái phường vải khác.[11]

Đánh giá

Trước năm 1930

Trong quãng thời gian hơn một trăm năm này, người bình luận các tác phẩm của Nguyễn Du là các nhà nho. Ở thế kỷ XIX, các nhà nho thường qua những bài thơ vịnh, những bài tựa mà bộc lộ cách nhìn, chính kiến của mình với tác phẩm. Sang thế kỷ XX, các nhà nho lại phát biểu bằng những bài văn chính luận. Nhưng bình luận ở giai đoạn nào họ cũng đều chia làm hai dòng khen và chê. Tuy nhiên, dù khen hay chê thì tất cả họ đều đánh giá cao nghệ thuật văn chương của Nguyễn Du. Nhưng văn chương được nhìn như có sự tách rời của hình thức với nội dung.

Từ 1930 đến 1945

Nghiên cứu phê bình văn học thời gian này đã thành một bộ môn riêng biệt, mang ý nghĩa hiện đại. Các tác phẩm của Nguyễn Du trong giới nghiên cứu, phê bình thấy rõ ba khuynh hướng sau:

  1. Khuynh hướng phê bình ấn tượng chủ quan với các ông Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư
  2. Khuynh Hướng giáo khoa qua những công trình của các ông Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm
  3. Cách tiếp cận kiểu khoa học của ông Nguyễn Bách Khoa

Từ 1945 đến 1975

Trong giai đoạn chia đôi đất nước này, tại miền Bắc, việc nghiên cứu các tác phẩm của Nguyễn Du trong quan hệ với hiện thực đời sống xã hội theo quan điểm mỹ học mácxít. Tác phẩm văn học được nhìn nhận như là sự phản ánh đời sống xã hội và bộc lộ thái độ của nhà văn đối với hiện thực đó. Hai công trình theo hướng này xuất hiện sớm và đáng chú ý hơn cả là cuốn: Quyền sống của con người trong "Truyện Kiều" của Hoài Thanh (1949) và bài báo Đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung "Truyện Kiều" của Đặng Thai Mai (1955). Vấn đề tinh thần nhân đạo và tính hiện thực của "Truyện Kiều" được hai tác giả chú ý đặc biệt và coi là giá trị cơ bản của tác phẩm.

Ở miền Nam, thời kỳ 1954 - 1975 cũng có nhiều người để tâm phê bình nghiên cứu các tác phẩm của Nguyễn Du. Dịp kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du trên các tập san Văn (số 43, 44) và Bách khoa thời đại (số 209) nhiều bài phê bình được công bố. Trước đó, năm 1960 có cuốn Chân dung Nguyễn Du tập hợp một loạt bài viết về Nguyễn Du của nhiều tác giả. Trước sau năm 1970 cũng thấy một số công trình khá công phu của Phạm Thế Ngũ, Đặng Tiến, Nguyễn Đăng Thục...

Từ 1980 đến nay

Trong giai đoạn này, cac tác phẩm của Nguyễn Du được tiếp cận bởi nhiều phương pháp mới: phong cách học, thi pháp học, ký hiệu học... Đã xuất hiện một số công trình đáng chú ý của Phan Ngọc, Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu...

Nhìn chung các tác giả đều cố gắng khách quan hóa việc phân tích tác phẩm, muốn làm cho các kết kuận của mình là hiển nhiên, "không còn tranh cãi". Tuy vậy mọi việc không đơn giản, các ý kiến vẫn cứ rất xa nhau, điều đó có nghĩa là những cuộc tranh luận sẽ vẫn tiếp diễn và như vậy nghiên cứu, phê bình về các tác phẩm của Nguyễn Du sẽ tiếp tục tiến triển.

Sáng tác của Nguyễn Du không thật đồ sộ về khối lượng, nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng trong di sản văn học và văn hóa dân tộc. Hơn nữa nó lại rất năng sản. Từ Truyện Kiều đã nảy sinh biết bao những hình thức sáng tạo văn học và văn hóa khác nhau: thơ ca về Kiều, các phóng tác Truyện Kiều bằng văn học, sân khấu, điện ảnh; rồi rất nhiều những dạng thức của nghệ thuật dân gian: đố Kiều, giảng Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều... Đặc biệt là số lượng rất lớn những bài bình luận, những công trình phê bình, nghiên cứu.

chú thích

Các tác phẩm khác

Những con chim  - Tế Hanh - Thơ

18/12/2014 22:23
Lượt xem 19799
Các em đến, vườn hồn ta đón đợi,
Những con chim tư tưởng ở phương trời.
Vượt trùng dương, các em đến xa khơi,
Làn gió mới thổi lồng trang giấy trắng.

Tìm xuân tầm xuân  - Tế Hanh - Thơ

18/12/2014 22:23
Lượt xem 11160
Ngày xuân tha thẩn trên đường
Hoa ai một nhánh bên đường chào ta
Đến gần nhìn rõ - thì ra
Tìm xuân lại gặp hoa là tầm xuân

Nhớ con sông quê hương  - Tế Hanh - Thơ

18/12/2014 22:22
Lượt xem 16281
Quê hương tôi có con sông xanh biết
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là những buổi trưa hè
Toả nẵng xuống giòng sông lấp loáng

Vu vơ  - Tế Hanh - Thơ

18/12/2014 22:21
Lượt xem 31824
Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi, đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa

Cái nhìn  - Tế Hanh - Thơ

18/12/2014 22:21
Lượt xem 17328
Tặng Nguyễn Thành Long

Mắt anh không được như xưa
Nhìn đêm bỡ ngỡ, nhìn trưa bàng hoàng
Nhìn mai như thể xuân sang
Nhìn chiều như thể thu choàng cỏ cây.

Quê hương  - Tế Hanh - Thơ

18/12/2014 22:16
Lượt xem 16589
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nữa ngày sông
Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Về hay ở  - Nguyễn Khuyến - Thơ

18/12/2014 21:48
Lượt xem 18905
Văng vẳng tai nghe tiếng chích chòe;
Lặng đi kẻo động khách lòng quê.
Nước non có tớ càng vui vẻ,
Hoa nguyệt nào ai đã đắm mê ?

Tự trào  - Nguyễn Khuyến - Thơ

18/12/2014 21:48
Lượt xem 15559
Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy, chẳng béo chỉ làng nhàng.
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.

Tự thuật  - Nguyễn Khuyến - Thơ

18/12/2014 21:47
Lượt xem 22093
Tháng ngày thấm thoát tựa chim bay,
Ông ngẩm mình ông, nghĩ cũng hay.
Tóc bạc bao giờ không biết nhỉ ?
Răng long ngày trước hãy còn đây.

Duyên nợ  - Nguyễn Khuyến - Thơ

18/12/2014 21:46
Lượt xem 21170
Cái duyên hay cái nợ nần,
Khi xa xa lắc, khi gần gần ghê.
Dấu hồng còn gửi tuyết nê,
Khi bay nào biết đông tê bóng hồng (1)

Hiển thị 821 - 830 tin trong 2165 kết quả