Thơ

Trần Hậu - Tiểu sử và sự nghiệp  - goldonline.vn  - Thơ

27/12/2014 14:22
Lượt xem 15499

nguồn : songtho.net

 Nhà thơ TRẦN HẬUQuê quán: Xuân Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Leningrad- LB Nga, 1978.

Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội

Công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

 

Tác phẩm:

- Gió đêm(Thơ) NXB Văn hoá, Hà Nội, 1993
-
Xôn xao điều giản dị (Thơ) NXB Văn học, 2012

 

Bất tử

Em gõ lên phím đàn
Như gõ vào sự bất tử
Ở đó sẽ chẳng bao giờ có anh.

Anh viết trăm bài thơ
Hy vọng tìm một chút vĩnh hằng
                                    trong trái tim em

Nhưng chắc gì đã có?
Nên suốt đời nỗi khổ
Vò xé lòng anh.

Sợi tóc

Người đi để vương sợi tóc
Ta về nhặt được nâng niu
Nhớ thương tan vào nước mắt
Âm thầm ai có biết đâu.

Người đi thế là đi mãi
Tóc xanh liễu rũ bên trời
Nỗi đau suốt đời ở lại
Trong lòng ta đó người ơi!

 Những con sóng không tên

Vẫn có câu thơ gợi tiếng khóc, nụ cười
Sau cơm áo đời thường nghiệt ngã
Ấy là lúc ngày bỗng tan sương giá
Anh nhìn trời trong đáy mắt xuân sang.

Vẫn có câu thơ thức dậy nỗi bàng hoàng
Khi một sáng bất ngờ em thoáng hiện
Và từ đấy lòng anh như biển
Cứ âm thầm những con sóng không tên.

Nhưng em cứ vô tình, thôi, em cứ là em
Như cánh gió phù du từ kiếp trước
Thôi anh cứ là anh, chẳng thể nào khác được
Và chúng mình muôn thuở vẫn chia xa.

Đã Đông rồi

Chẳng còn gì để nói nữa cùng em
Khoảnh khắc ấy mùa thu đi vội quá
Chưa kịp ngắm chút sắc vàng trên lá
Đã đông rồi gió lạnh thổi mênh mang.

Chưa kịp cầm tay, chưa kịp dỗi hờn
Chưa kịp nói những lời tha thiết nhất
Chưa kịp có mà em ơi đã mất
Chút ảnh hình kỉ niệm giữ mai sau.

Chẳng còn gì để nói nữa cùng nhau
Thôi đừng nghĩ, đừng buồn, đừng mong nhớ
Thì cứ sống như những ngày đã cũ
Khi trong đời chưa thực có mùa thu!

Lặng lẽ

 Thời gian lặng lẽ trôi
Tóc xanh lặng lẽ trắng
Vòng đời lặng lẽ ngắn
Lo âu lặng lẽ dài.

Con cái lặng lẽ lớn
Vợ cứ lặng lẽ già
Bạn bè lặng lẽ vắng
Họ hàng lặng lẽ xa.

Nhân tình lặng lẽ cạn
Trái tim lặng lẽ buồn
Thuỷ chung lặng lẽ bán
Danh vọng lặng lẽ buôn.

Em cứ lặng lẽ ảo
Sau những nickname hờ
Ta cứ lặng lẽ giấu
Nỗi đau thầm trong thơ!

Bất chợt

Bất chợt khoảnh khắc gặp em
Giữa một ngày đông ngập nắng
Quên đi mái đầu sương trắng
Anh cười anh nói hồn nhiên

Bất chợt khoảnh khắc gặp em
Anh bỗng thấy mình trai trẻ
Xôn xao bao điều giản dị
Lâu rồi yên ngủ nơi anh.

Gặp lại bầu trời trong xanh
Mùa xuân trên cành lộc nhú
Gặp lại mùa thu lá đổ
Dát vàng lối nhỏ công viên...

Bất chợt khoảnh khắc gặp em
Bất chợt lìa xa mãi mãi
Giữa thành phố này khói bụi
Giữa cuộc đời này bơ vơ!

Trần Hậu

Lên sóng lúc 18:45 ngày 31.10.2012

nguồn : Trương Nam Hương gởi

-------------------------------------------------------------------------------------------------

*** xem thêm : Trần Hậu - một hồn thơ với bao điều giản dị

29 Tháng Tám 2013 - 4:44:00

(VOV5)- Trần Hậu được biết tới trên báo chí nhiều năm qua như một dịch giả tiếng Nga, một người giới thiệu văn hóa Nga đầy tin cậy với bạn đọc báo chí Việt. Nhưng anh cũng còn là một người-làm-thơ. Và tập sách đầu tiên anh xuất bản, là tập thơ "Xôn xao điều giản dị", do NXB Văn học ấn hành. Trân trọng gửi tới quý vị lời giới thiệu của  tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, người Việt ở Liên bang Nga về tập thơ này.

Thời chưa phổ cập Internet, cứ mỗi tuần một lần, tôi lại lọ mọ đi hơn sáu mươi cây số từ trung tâm thành phố Moskva đến sân bay Sheremetievo, và sau này là Domodedovo, mang theo một bịch báo to tướng gửi về Hà Nội cho Trần  Hậu.
 
Những tờ báo Nga tôi gửi cho Hậu thường là Văn học, Văn hóa, Luận chứng và Sự kiện, Tin tức... trong đó có nhiều bài về đời sống văn học, sự kiện sân khấu, điện ảnh Nga để anh dịch đăng báo, kiếm thêm thu nhập, bù vào đồng lương còm cõi của mình nuôi vợ và hai đứa con nhỏ. Đó là cách kiếm sống lương thiện, khó nhọc và âm thầm nhất.
 
Hàng loạt bài dịch của Hậu đã được in trên các báo Trung ương và Thủ đô với nhiều bút danh khác nhau. Những tưởng rằng, ngày một, ngày hai, anh sẽ có một cuốn sách tuyển những bài dịch về văn học Nga và văn học thế giới, chí ít cũng phải ba trăm trang!
 
Nhưng anh lại quyết định cho in tập thơ trước, bởi lẽ anh vốn là một thi nhân trong thẳm sâu tâm thức và huyết quản, một mạch thơ như nguồn nước ngầm chảy âm thầm và lặng lẽ, anh muốn ưu tiên khai sinh tập thơ đã hoài thai từ hàng chục năm trước!
 
Nếu trích ngang lý lịch thì Trần Hậu là một thế giới, mà tôi có lẽ là người hiểu thâm sâu và cặn kẽ. Bởi chúng tôi đã gắn với nhau từ thời khốn khó nhất của cuộc đời, từ cái thuở hàng ngày anh đi bộ từ nhà đến trường cách mười lăm cây số, nắng cũng như mưa, chân không có dép, không có bữa sáng, vai mang chiếc túi vải nhầu nhĩ được mẹ cắt may từ một ống quần cũ.
 
 
Mà không chỉ tôi, trong đám bạn bè, ai có điều chi tâm niệm, ai có chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” cũng tìm Trần Hậu để giãi bày, ai có của nả riêng tư cũng tìm Hậu mà gửi, bởi vì gửi lời và gửi cái gì cho Hậu cũng yên tâm, hoàn toàn không hề bị rò rỉ và thất thoát!

Con người đó mang trong mình một trái tim nhạy cảm, âm thầm và thuỷ chung vô bờ bến. Anh làm thơ không phải để đăng đàn, để đánh bóng tên  tuổi mà đơn giản là chỉ gửi gắm nỗi lòng. Trần Hậu làm thơ từ thời còn là sinh viên, đã đa mang, dấn thân vào nghiệp thơ xuất phát từ lòng tri ân những nhà thơ cổ điển Nga mà anh học. Vì vậy, thơ anh chịu ảnh hưởng nhiều âm điệu buồn thương của trường phái thơ lãng mạn Nga với những Pushkin, Lermontov  đầu thế kỷ XIX và cảm hứng đồng quê trong thơ Esenin, Blok đầu thế kỷ XX. Tạng người Trần Hậu hợp với âm điệu trữ tình, sự buồn thương, trầm mặc và bi lụy.
 
Trong suốt những bài thơ trong tập Xôn xao điều giản dị của Trần Hậu, luôn phảng phất sự tiếc nuối một cái gì mất đi không bao giờ trở lại. Mọi cái trong thơ anh dường như đều là vô hình, sương khói và hóa thân thành kỷ niệm. Nhân vật trữ tình trong thơ anh chính là người con gái được anh tôn thờ, theo suốt và có mặt trong mọi câu tứ. Sự tuyệt vọng thường có mặt trong thơ anh, chính là hình ảnh xa vời, không bao giờ đạt được, không bao giờ thấu vọng bởi những vách barie có lúc là thời gian, không gian, có lúc là sự mặc cảm, có lúc là sự yếu đuối và lo sợ; chỉ lãng đãng trong lớp mây mù thì thần tượng của anh mới tồn tại, còn nếu như bỗng dưng nó thành hiện thực, đời thường thì "bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu" (Xuân Diệu).

Cũng có thể nàng có thật trong cuộc đời, nhưng cũng có thể đó chỉ là nàng Thơ đem đến cho anh niềm cảm hứng viết về tâm trạng tiếc nuối những gì đã tuột khỏi tầm tay. Khác với những tâm hồn đa đoan nhưng mạnh mẽ, họ có thể làm những gì để níu kéo lại, thì Trần Hậu chỉ buông xuôi, than thở, cùng lắm thì chỉ giơ bàn tay ngậm ngùi tiễn biệt. Sự buồn thương này là chất riêng của Trần Hậu, anh không thể làm khác, làm khác đi là gượng gạo, là bội phản tính cách của anh. K. Paustovsky, nhà văn danh tiếng của Nga, đã gọi đó là "nỗi buồn thánh thiện, không ai dễ gì có được". Nó là tài sản riêng của Trần Hậu mà luồng gió lành của sách vở, của nền giáo dục anh tiếp thụ đã thổi vào hồn anh tự thuở bé thơ, qua năm tháng thời gian, được chắt chiu để trở thành cái đẹp. Anh vẫn giữ gìn nó, bất chấp cuộc sống khốn khó, bất chấp những trắc trở, xuống ghềnh lên thác của cuộc đời.
 
Anh không hề ngơ ngác trước sự náo động nhân gian, với một trí tuệ mẫn tiệp, thâm trầm, anh hiểu hết, nhưng giữa bộn bề của cuộc sống bon chen, anh vẫn bảo tồn được  trái tim trong sáng và định hình như một nhà nho xứ Nghệ. Người như Trần Hậu không thể nhúng tay vào một điều gì hắc ám, không nỡ lòng làm tổn thương tới một ai. Anh chấp nhận và thích nghi với mọi hoàn cảnh anh bước chân vào, anh đứng ngoài mọi cuộc tranh giành và cân đong, đo đếm. Con người Trần Hậu và thơ anh đem đến cho cuộc đời này một niềm tin sáng trong và một thông điệp cũng vô cùng mộc mạc: hãy sống bình thường, đừng làm hại cho đời, và nếu có thể, hãy có ích cho đời.
 
Cũng giống như khi bạn bước chân vào căn phòng giản dị, nhưng bình yên của anh giữa lòng Hà Nội lúc mưa sa, gió nổi; nếu ai đó, chẳng may gặp điều phiền muộn, bất an, rủi ro trong cuộc sống, hãy đọc thơ Trần Hậu để nỗi buồn sẽ được chia đôi:
 
Tôi có một căn phòng nhỏ,
Để về đây những buổi chiều,
Giũ sạch ưu phiền, đau khổ,
Nghĩ về cuộc sống tôi yêu.
 
(Căn phòng nhỏ)

Các tác phẩm khác

Cao Thoại Châu (1939...) -Tiểu sử và Sự nghiệp  - goldonline.vn - Thơ

27/12/2014 14:00
Lượt xem 16535
Cao Thoại Châu tên thật là Cao Ðình Vưu, sinh năm 1939 tại Giao Thuỷ, Nam Ðịnh, di cư vào Nam năm 1954. Bút hiệu của ông được ghép từ chữ Thoại là chữ lót trong tên của người bạn gái gốc Hoa và chữ Châu trong tên tỉnh Châu Đốc mà thành. Ông còn có các bút danh khác là Tiểu Nhã, Hư Trúc.
Hiện nay nhà thơ đã nghỉ hưu, ông tiếp tục sống và sáng tác tại Long An.

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) - Tiểu sử và Sự nghiệp  - goldonline.vn - Thơ

22/12/2014 10:49
Lượt xem 28708
Nguyễn Trãi (阮廌), hiệu là Ức Trai (抑齋) sinh năm 1380 mất năm 1442, tại làng Chi Ngại, huyện Chí Linh (nay là thị xã, Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long, tức Nguyễn Phi Khanh, người làng Chi Ngại, một nho sĩ hay chữ nhưng nghèo và mẹ là Trần Thị Thái, con gái thứ ba[2] của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán[3]. Ngày 19 tháng 9 năm 1442 (tức ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất), Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ và gia quyến đều bị tru di tam tộc. Vị khai quốc công thần đã kết thúc cuộc đời ở tuổi 63 trong một hoàn cảnh bi phẫn và oan khuất.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) - Tiểu sử và Sự nghiệp  - goldonline.vn - Thơ

22/12/2014 10:48
Lượt xem 44332
Nguyễn Bỉnh Khiêm (chữ Hán: 阮秉謙; 1491–1585), tên huý là Nguyễn Văn Đạt[1], tên tự là Hanh Phủ (亨甫), hiệu là Bạch Vân cư sĩ[2], được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam.

Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) - Tiểu sử và Sự nghiệp  - goldonline.vn - Thơ

22/12/2014 10:47
Lượt xem 21404
Đoàn Thị Điểm[1] (段氏點, 1705-1748), hiệu: Hồng Hà Nữ Sĩ(紅霞女士), là nữ sĩ Việt Nam thời Lê trung hưng. Bà là tác giả tập truyện Truyền kỳ tân phả, và là dịch giả bản Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn.
Bà là người được đánh giá là bậc nhất về sắc đẹp lẫn tài văn trong những nữ sĩ danh tiếng nhất, bên cạnh là Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Sương Nguyệt Anh.

Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848) - Tiểu sử và Sự nghiệp  - goldonline.vn - Thơ

22/12/2014 10:47
Lượt xem 24491
Bà Huyện Thanh Quan (chữ Hán: 婆縣清觀, 1805-1848), tên thật là Nguyễn Thị Hinh; là một nhà thơ nữ nổi tiếng trong thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam[1].
Nguyễn Thị Hinh người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây, Hà Nội[2]. Thân phụ là Nguyễn Lý (1755-1837), đỗ thủ khoa năm 1783, đời vua Lê Hiển Tông.

Nguyễn Du (1765 - 1820) - Tiểu sử và Sự nghiệp  - goldonline.vn - Thơ

22/12/2014 10:47
Lượt xem 21407
Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; Sinh năm Ất Dậu 1765– mất năm Canh Thìn 1820) tên chữ Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ (鴻山獵戶), là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam. Ông là một nhà thơ lớn của Việt Nam, được người Việt kính trọng gọi ông là "Đại thi hào dân tộc". Năm 1965, Nguyễn Du được Hội đồng hòa bình thế giới công nhận là danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỷ niệm trọng thể nhân dịp 200 năm ngày sinh của ông [1][2].

Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) - Tiểu sử và Sự nghiệp  - goldonline.vn - Thơ

22/12/2014 10:46
Lượt xem 29532
Hồ Xuân Hương (chữ Hán: 胡春香) là nhà thơ Nôm nổi tiếng cuối thế kỷ 18, đầu thể kỷ 19 (1772-1822). Bà đã để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách thơ vừa thanh vừa tục và được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Hồ Xuân Hương được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam.

Lê Ngọc Hân (1770-1799) - Tiểu sử và Sự nghiệp  - goldonline.vn - Thơ

22/12/2014 10:46
Lượt xem 20186
Lê Ngọc Hân (chữ Hán: 黎玉忻, 1770-1799) còn gọi Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu (北宮皇后) là công chúa nhà Hậu Lê và hoàng hậu nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Dân gian còn lưu truyền tên gọi bà là Bà Chúa Tiên khi bà ở Phú Xuân vì dinh phủ lập ở chùa Kim Tiên.[1]
Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (1770) tại kinh thành Thăng Long [2]. Bà là con gái thứ 9 [3] của vua Lê Hiển Tông. Mẹ bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, là người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn - Bắc Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội), và là con gái trưởng của ông Nguyễn Đình Giai.
Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4 tháng 12 năm 1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi.

Cao Bá Quát (1809 - 1855) - Tiểu sử và Sự nghiệp  - goldonline.vn - Thơ

22/12/2014 10:46
Lượt xem 25121
Cao Bá Quát (chữ Hán: 高伯适; 1809 – 1855) là quốc sư của cuộc nổi dậy Mỹ Lương[1], và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam.
Ông là người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc quận Long Biên Hà Nội.

Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) - Tiểu sử và Sự nghiệp  - goldonline.vn - Thơ

22/12/2014 10:46
Lượt xem 18291
Nguyễn Đình Chiểu (chữ Hán: 阮廷沼; 1822-1888), tục gọi là Đồ Chiểu (khi dạy học), tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù); là nhà thơ lớn nhất của miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19 [1].
Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1 tháng 7 năm 1822), tại quê mẹ là làng Tân Thới [2], phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Năm 1886, vợ ông là bà Lê Thị Điền mất lúc 51 tuổi. Buồn rầu vì vợ mất, vì cảnh nước mất nhà tan đã bấy lâu, vì bệnh tật ngày càng trầm trọng [14], hai năm sau, ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (3 tháng 7 năm 1888), Nguyễn Đình Chiểu cũng qua đời tại Ba Tri, thọ 66 tuổi. Ngày đưa tiễn nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu về cõi vĩnh hằng, cánh đồng An Đức rợp trắng khăn tang của những người mến mộ ông [15].

Hiển thị 21 - 30 tin trong 2191 kết quả