Thơ

Anh vọng nghe tiếng em hát bên hồ  - Phạm Ngọc Thái  - Thơ

17/08/2015 07:45
Lượt xem 19491

Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
Đôi mắt mùa thu ru êm ả
Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió
Những đêm không chiếu, không màn

Tiếng hát ấy vẳng xa đã vào bụi cát
Em mãi còn kỉ niệm trong anh
Như hạnh phúc đời anh: cái thực là hư cả
Cái đã hư xưa mới chính thực là mình

Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
Chiếu ở rất xa,
                        qua hồn ta,
                                           trong mộng ủ
Ôi! Hư vô, sao quặn xiết lòng ta?
Hỡi đêm tàn!
Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...

PHẠM NGỌC THÁI
Trích tập "Rung động trái tim", Nxb Thanh niên 2009

LỜI BÌNH:  Nhà thơ Phạm Ngọc Thái có nhiều thơ hay, đặc biệt là thơ tình. Bài "Anh vọng nghe tiếng em hát bên hồ" này, cứ gieo vào tôi một nỗi cảm hoài da diết:
                              Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
                              Đôi mắt mùa thu ru êm ả
                              Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió
                              Những đêm không chiếu, không màn

      Tiếng hát mà ngày ấy thiếu nữ vẫn thường hát cho anh nghe trong những đêm trăng bên hồ. Người thiếu nữ có đôi mắt mùa thu dịu dàng, êm ái. Đây là mùa thu đất trời hay mùa thu trong em? Bởi hình ảnh mùa thu đây cũng chỉ còn được gợi lại trong kí ức cùng với tiếng hát của em vọng về, nó càng trở nên sâu lắng, khắc khoải.
     Hình tượng: Những đêm không chiếu, không màn /-  Nói về kỉ niệm những tháng năm của tình yêu tuổi trẻ, mơ mộng và thiêng liêng. "... không chiếu, không màn" cũng có nghĩa là màn trời, chiếu đất.  Nhưng màn trời, chiếu đất của những kiếp lang thang là cảnh cát bụi, gió mưa - Còn màn trời, chiếu đất để diễn tả về tình yêu gái trai lại là hình tượng có tính mĩ học của thiên nhiên. Những đêm không chiếu, không màn ấy... họ đã tha thiết yêu nhau. Và chính trong cái không gian mộng mơ đó, người con gái đã cất tiếng hát. Tiếng em nhỏ nhẹ chỉ đủ cho anh nghe, lẫn vào gió thổi cùng trăng sao.
     Đấy, cái khúc thơ đầu nhà thơ đã diễn tả về khung cảnh thiên nhiên và tình yêu bằng cảm xúc trào lên trái tim anh, để bật ra những lời thơ say đắm, thân thương. Kỉ niệm ngọt ngào quá !... Đáng yêu quá !... Giọng thơ khá du dương:
                             Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió...

     Sang khúc thứ hai, tác giả trở về với thực tại. Những năm tháng tươi đẹp, mộng mơ đã qua đi. Em cũng không còn bên anh. Nhà thơ thầm than:
                            Tiếng hát ấy vẳng xa đã vào bụi cát
                            Em mãi còn kỉ niệm trong anh

     Tất cả chìm lẫn trong cát bụi. Thơ đi vào triết lý về tháng năm và cuộc đời.  Khát vọng và thực tế. Tình yêu và sự chia ly. Đó là những mâu thuẫn của cuộc sống. Nhà thơ phát biểu về hạnh phúc của đời anh thế nào?
                            Như hạnh phúc đời anh: cái thực là hư cả
                            Cái đã hư xưa mới chính thực là mình

     Ở hai câu trên của khúc thứ hai như vừa phân tích, là tác giả nói về sự bất diệt của tình yêu! Mặc dù tình đã qua, tất cả vào cát bụi... nhưng em mãi mãi là một kỉ niệm không phai mờ  trong anh. Mang màu sắc hoài niệm.
     Còn hai câu dưới thì triết lí: Cuộc sống của anh hôm nay, cái vẫn đang tồn tại lại chính là... hư ảo? Còn cái đã vào hư ảo, mới thực là hạnh phúc của cuộc đời. Xin phân tích ít nét về sự triết lý của hai câu thơ này, hay thế nào?

     Vì sao cái "thực" lại là "hư"? Câu thơ có ý ẩn, cảm xúc phát ra từ tâm linh. Nghĩa là về "thần" chứ không phải về "chất". Tính triết lí nó nằm trong linh hồn con người hơn là bản thể. Tức là, dù tháng năm cát bụi, nhưng tình em mãi mãi còn trong cuộc sống cũng như trái tim anh. Cho nên, chính cái tình yêu "hư ảo" ấy đã trở thành ý nghĩa tồn tại, giá trị đời sống tinh thần của nhà thơ.
    Ta lại thấy, nếu mặt phải của tình yêu là nguồn hạnh phúc vô biên - Thì mặt trái của nó khi bị tan vỡ, bên những khổ đau dày vò và thương tiếc... cũng là nguồn hạnh phúc cuộc đời. Chính tính triết lý hai mặt này, về phương diện thi ca đã đẩy nỗi thơ đi đến sự tột cùng. Để nói về giá trị lớn lao, bất hủ của tình yêu! Vậy là, từ cái kí ức nhớ về tiếng hát của người thiếu nữ xưa vọng trong tâm trí, nhà thơ đã dệt nên cả một bản tình xô-nát bên hồ.

     Sang khúc thứ ba, khúc thơ cuối cùng:    

                            Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
                            Chiếu ở rất xa,
                                                      qua hồn ta,
                              
                                             trong mộng ủ
                            Ôi! Hư vô, sao quặn xiết lòng ta?
      Có khi người ta nói: cuộc đời dài lê thê. Đấy là trong cuộc sống bất hạnh, nhiều khổ đau. Dân gian cũng thường hay ví như một câu ngạn ngữ: đằng đẵng cả một kiếp người? Còn khi hạnh phúc, niềm vui nhiều hơn nỗi buồn - Người ta lại thường nói: thoáng cái đã trôi qua một đời người. Hoặc, cuộc đời vụt trôi như một cánh chim bay, như một giấc mơ, v.v...
    Ở đây tác giả viết: Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ /-  Nói là "cuộc đời", nhưng thực ra ý của nhà thơ muốn nói về những tháng năm hạnh phúc bên em đã vèo trôi qua mất rồi. Tình yêu chỉ còn là hoài vọng với nỗi nhớ cồn cào, da diết. Như ngay trong câu đầu tiên của bài:
                            Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
                            Đôi mắt mùa thu ru êm ả...
     Đến thân hình, ánh mắt, giọng nói... của em yêu ngày nào, cũng chỉ còn lại với anh bằng ảo ảnh mà thôi. Hay như câu thơ ở khúc thứ hai vừa phân tích:
                            Như hạnh phúc đời anh: cái thực là hư cả
     Nghĩa là sự tồn tại của anh hôm nay chỉ là xác thể. Còn linh hồn, trái tim anh đã theo tình yêu của em bay xa rồi - Thơ vẫn là thơ mà... Cho nên, cái năm tháng ngắn ngủi với em chính là hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống của đời anh. Nó đã vụt trôi qua như một bóng mây trong cả vũ trụ hoang vắng này.
     Khúc thứ ba cũng là sự triết lí để nói về tình yêu và cuộc sống, nhưng nó được sử dụng bằng hình ảnh của thiên nhiên, trời đất. Vũ trụ đã ập vào làm thành hình tượng thi ca của Phạm Ngọc Thái. Tình yêu với em trôi qua như một áng mây trên cả bầu trời mênh mông. Đó phải là một áng mây rạng rỡ, đẹp nhất của tháng năm, tận khoảng xa xăm nào đó chiếu vọng về: Chiếu ở rất xa... /
qua hồn ta.../ trong mộng ủ...
     Kí ức tình yêu xưa hiển hiện,  trở về làm xao động trái tim. Nó chiếu ánh lên trong tâm hồn hay chập chờn trong những giấc mơ. Hư vô đấy, thế mà: Ôi! Hư vô, sao quặn xiết lòng ta? /-  Lời thơ thiết tha và xa xót. Đến câu kết, tác giả điệp lại âm vang tiếng hát của câu thơ đầu:
                            Hỡi đêm tàn!
                            Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...
     Hình ảnh "đêm tàn" gợi cho ta về những đêm dài thao thức, nhà thơ đắm chìm trong nỗi nhớ người yêu.  Hình ảnh rất chân thực nhưng đầy mộng. Bài thơ chỉ xoay quanh tiếng hát của người con gái bên hồ, đã được khai thác triệt để bằng cảm xúc của trái tim, tâm hồn tác giả, rồi sử dụng cảnh trời đất, vũ trụ để minh họa và triết lí. Nhờ có tính triết lí mà thơ không bị rơi vào sự uỷ mị. Tất cả quyện vào nhau, khúc triết.
     Một bài thơ tự do ba khúc, mười hai câu. Độ ngắn dài của mỗi câu tuỳ thuộc vào cảm xúc của nhà thơ. Có lúc kéo dài ra như ở câu đầu:
                            Anh vọng nghe tiếng hát bỗng bàng hoàng
     Tiếp theo là một câu ngắn, để cho hình ảnh tích đọng vào ánh mắt của người yêu:
                          Đôi mắt mùa thu ru êm ả
     Sau đó thơ lại kéo dài ra tả về cảnh xưa êm đềm:
                          Ôi, hồ xưa! Những đêm trăng lộng gió
Nhưng có đoạn được gieo như thể thơ bậc thang. Thí dụ ở khúc thứ ba như đã nói trên:
                          Cuộc đời như bóng mây qua vũ trụ
                          Chiếu ở rất xa /
                                                      qua hồn ta /
                              
                                             trong mộng ủ /
      Đến cuối cùng giọng thơ đổ xuống, xàng xê như một bài ca vọng cổ vậy:
                          Hỡi đêm tàn!
                          Có nghe tiếng em vẫn hát tận hồ xa...

     Thơ tự do hiện đại Phạm Ngọc Thái thực sự là rất mới. Thơ viết phóng khoáng, chuyển đổi tứ tự nhiên, hình ảnh, ngôn ngữ sinh động trong nhịp điệu thi ca... mà không rơi vào sự mượt mà nhàm chán. Có thể nói - Tác giả thuộc các nhà thơ tự do, gieo thơ hiện đại đã vào hàng bậc tinh luyện, nhẹ nhàng.

Các tác phẩm khác

Con chim thời gian  - Nguyễn Khoa Điềm - Thơ

20/12/2014 15:18
Lượt xem 19215
Con gõ kiến đại ngàn
Gõ nhịp thời gian
Từng bước
Từng bước chân

Con gà đất, cây kèn và khẩu súng  - Nguyễn Khoa Điềm - Thơ

20/12/2014 15:17
Lượt xem 11566
Nhân nghĩ về người thổi kèn trong "Mũi thép" kịch của Nguyễn Vũ

I.
Con gà đất bảy màu
Sống bằng hơi con trẻ
Hùng dũng gọi mùa xuân
Mặt trời vàng long lanh trên chợ Gia lạc

Đất ngoại ô  - Nguyễn Khoa Điềm - Thơ

20/12/2014 15:15
Lượt xem 25912
Khu phố ngoại ô
Tầm tã rụng bên dòng sông
những người dân nghèo về đây
như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến

Đất nước  - Nguyễn Khoa Điềm - Thơ

20/12/2014 15:14
Lượt xem 15660
Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

Giặc mỹ  - Nguyễn Khoa Điềm - Thơ

20/12/2014 15:13
Lượt xem 23983
Khi tên lính Pháp cuối cùng đi đến trước dòng sông
Vươn qua thành cầu soi mặt mình dưới nước
Nó bỗng nhổ nước bọt vào nơi nó vừa ngắm được
Khuôn mặt chủ nghĩa thực dân cũ tan rồi trên sông nước quê ta

Gửi anh Ttường  - Nguyễn Khoa Điềm - Thơ

20/12/2014 15:12
Lượt xem 16617
Về những gì tôi muối nói cùng anh
Là buổi cách xa mà mùa xuân đẹp quá
Hoa riềng trắng bên hiên nhà yên ả
Và lũ ve rừng kêu khi trăng lên

Hình dung về Chê Ghêvara  - Nguyễn Khoa Điềm - Thơ

20/12/2014 15:11
Lượt xem 12772
Tôi hình dung Chê đi trong rừng
Với khẩu A.K
Những viên đạn cài trong băng
Như hàm răng nghiến chặt

Hồi kết cuộc  - Nguyễn Khoa Điềm - Thơ

20/12/2014 15:10
Lượt xem 35010
Chúng nó đã đi rồi
Những tên đã đến 100 năm
Những tên vừa đến 20 năm
Chúng nó đã lội ra biển Đông

Khoảng trời yêu dấu  - Nguyễn Khoa Điềm - Thơ

20/12/2014 15:10
Lượt xem 13051
Khi nhà em ở phía đông
Mỗi ban mai, mặt trời hồng chỗ em
Tưởng như em đó, bên thềm
Hồng hào chải mái tóc mềm xuống vai

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ  - Nguyễn Khoa Điềm - Thơ

20/12/2014 15:09
Lượt xem 13817
Em ru Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

Hiển thị 911 - 920 tin trong 2678 kết quả